Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để giám sát cũng như tăng năng suất lao động đã giúp Amazon trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới nhưng cũng là cơn ác mộng đối với các nhân viên.
Nhân viên không dám uống nước, đi tiểu trong chai
Business Insider dẫn nguồn từ bài viết của tác giả James Bloodworth, người bí mật đến một kho hàng của Amazon ở Staffordshire (Anh), để tìm tư liệu viết sách về lương bổng thấp ở quốc gia châu Âu. Tại đây, ông Bloodworth phát hiện ra rằng các nhân viên hoàn thiện ở kho hàng Amazon, những người chạy quanh kho hàng lớn để lấy sản phẩm đi giao, có hệ thống “chai vệ sinh” tại chỗ vì có quá ít thời gian để “giải quyết nỗi buồn” trong nhà vệ sinh.
“Với những người làm việc ở tầng trên cùng, nhà vệ sinh gần nhất cách chúng tôi đến bốn đợt cầu thang (một đợt có khoảng 12 đến 13 bậc thang). Do đó, mọi người chỉ đi vệ sinh trong chai vì họ sợ bị kỷ luật về “thời gian rảnh” và mất việc làm chỉ vì cần phải đi nhà vệ sinh”, ông Bloodworth chia sẻ với tờ The Sun.
Ngoài ra, nhân viên cũng cho biết họ bị phạt vì bị bệnh. Một nhân viên cho hay cô bị nhận cảnh báo khi bị ốm trong lúc đang mang thai. Một người khác thì nói: “Tôi phải đi làm dù tôi cảm thấy rất tệ, tôi làm được hai tiếng và không chịu nổi nữa. Tôi nói với người giám sát của mình là tôi bị bệnh dạ dày, tôi có giấy khám bệnh nhưng vẫn bị phàn nàn”.
Tài xế giao hàng của Amazon bị giám sát bởi camera và thuật toán AI
Là tài xế giao hàng ở Austin, Texas, Mỹ, James Meyers đã phục vụ cho Amazon khoảng một năm trước khi anh nghỉ việc vào tháng 10/2020. Với Meyers, khối lượng công việc lớn cùng điều kiện làm việc tồi tệ là lý do khiến anh quyết định từ bỏ.
Theo Meyers, các nhà cung cấp dịch vụ giao hàng không cho phép tài xế trả lại bưu kiện, chính vì vậy, cánh tài xế phải làm việc liên tục trong 14 tiếng nếu muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trước áp lực phải đáp ứng tỷ lệ giao hàng theo đúng yêu cầu, Meyers thường sử dụng chai nhựa để đi vệ sinh hàng ngày.
Thậm chí, nếu chiếc xe tải lệch khỏi tuyến đường hoặc dừng lại quá 3 phút, hệ thống trên xe sẽ báo về công ty giao hàng. Meyers cho biết anh thường xuyên nhận được cuộc gọi than phiền của bên điều phối mỗi khi dừng chân đi vệ sinh. Tuy nhiên, việc nói chuyện với họ chỉ khiến thời gian dừng lại lâu hơn. Meyers cho rằng những nhu cầu cơ bản này không đáng để anh nhận lại thái độ đối xử bất công.
Máy móc sẽ báo động khi chúng cho rằng nhân viên đang nghỉ ngơi
Đặc biệt, Amazon sử dụng các nhà thầu cho dịch vụ giao hàng, tiền thưởng của tài xế thường dựa trên tỷ lệ hoàn thành đơn thành công. Meyers tin rằng đây là lý do khiến tài xế khó đòi quyền lợi dù phải làm việc quá sức nhưng nhận lại số tiền công ít ỏi, chỉ từ 15 USD/1 giờ, thấp hơn rất nhiều so với mức lương trung bình của các lái xe khác.
“Gã khổng lồ” Amazon giám sát nhân viên như thế nào?
Amazon trở thành nhà bán lẻ lớn nhất thế giới nhờ thuê ngoài những dàn máy tính chạy các thuật toán giải quyết vấn đề. Nhiều năm qua, công ty đã dùng thuật toán để quản lý những người bán hàng trên nền tảng, xử lý hàng giả…
Không dừng lại ở đó, công ty tiếp tục dùng máy móc điều hành nhân viên trong kho, giám sát tài xế hợp đồng, các công ty giao hàng độc lập, thậm chí theo dõi hiệu suất của nhân viên văn phòng. Ông chủ Jeff Bezos tin rằng máy móc đưa ra quyết định nhanh và chính xác hơn con người, giảm chi phí và mang lại lợi thế cạnh tranh cho Amazon.
Hình ảnh bên trong kho hàng tại Amazon
Năm 2021, Amazon tiến hành lắp các camera giám sát tài xế bên trong xe tải. Hệ thống camera tên Driveri của công ty Netradyne được lắp ở bốn khu vực, gồm camera hành trình hướng về phía trước, hai camera bên, một camera hướng về phía người lái xe.
Camera chĩa vào tài xế có thể phát hiện khi nào đối tượng mất tập trung, tăng tốc hay buồn ngủ, rồi gửi cảnh quay trực tiếp cho người quản lý. Một số tài xế không đồng tình với động thái này, thậm chí có người còn nghỉ làm để biểu tình phản đối cách làm việc của Amazon.
Nhân viên tại kho hàng cũng chẳng dễ chịu hơn là bao. Bên cạnh những con robot hoạt động không ngừng nghỉ, các trung tâm xử lý hàng hóa của Amazon còn nổi tiếng bởi thuật toán, hiểu nôm na là một nhóm lệnh hướng dẫn máy tính giải quyết những vấn đề phát sinh.
Các thuật toán của Amazon cho biết nhiệm vụ hàng ngày của nhân viên, đặt mục tiêu năng suất và “chỉ mặt” các nhân sự không đạt kế hoạch. Cỗ máy này theo đó được ví như nỗi ám ảnh đối với tất cả lao động tại nhà kho Amazon bởi họ có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào chỉ bằng 1 cái email.
Hệ thống “trợ lý khoảng cách” của Amazon được áp dụng trong thời kỳ dịch bệnh
Không chỉ vậy, Amazon thu thập thông tin về hầu hết mọi thứ từ công nhân. Ví dụ như Amazon đã có bằng sáng chế cho dây đeo cổ tay nhân viên để theo dõi các chuyển động, dây đeo này sẽ rung lên để thúc đẩy họ làm việc khi chúng nghĩ rằng họ đang nghỉ ngơi. Amazon sẽ đánh giá các nhân viên với nhau và loại bỏ những người làm việc hiệu suất thấp nhất để đảm bảo rằng lực lượng lao động của họ liên tục phát triển.
Chính vì quên đi “yếu tố con người’’ nên nhân viên Amazon dường như phải làm việc như những chú robot. Theo Business Insider, nhân viên Amazon phải làm việc ít nhất 60 giờ/tuần. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống dường như không còn tồn tại.
Chống thành lập công đoàn
Tháng 4/2020, Insider đưa tin Amazon sử dụng bản đồ nhiệt (heat map) để theo dõi các cửa hàng có nguy cơ thành lập công đoàn. Bản đồ nhiệt sử dụng hơn hai chục số liệu khác nhau, tập trung vào ba lĩnh vực chính là “rủi ro bên trong”, “rủi ro bên ngoài” và “tâm lý thành viên nhóm”. Ví dụ, “rủi ro ngoài” được đo bằng các chỉ số như quy mô thành viên công đoàn địa phương, khoảng cách giữa cửa hàng với công đoàn gần nhất, số cáo buộc được đệ trình lên Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia…
Năm 2021, các công nhân tại nhà kho của Amazon tại TP.Bessemer (bang Alabama, Mỹ) đã bỏ phiếu để thành lập công đoàn đầu tiên trong Tập đoàn Amazon, theo kênh NPR. Tuy nhiên, 1.798 phiếu chống công đoàn và 738 phiếu ủng hộ thành lập công đoàn. Vì thế, cuộc “nổi dậy” của một số công nhân của Amazon xem như đã thất bại.
Nhà kho của Amazon ở Bessemer
Liên minh bán lẻ, bán sỉ và các cửa hàng (RWDSU) đã kháng nghị lên Uỷ ban Quan hệ Lao động Quốc gia với cáo buộc Amazon đã can thiệp vào quyền tự do bỏ phiếu một cách công bằng của các nhân viên ở nhà kho trên. Các cáo buộc bao gồm việc thiếu trung thực về tác động của cuộc bỏ phiếu trong các cuộc họp bắt buộc.
Một cáo buộc khác cho rằng Amazon đã tác động lên chính quyền để rút ngắn thời gian chờ đèn đỏ đối với xe vận chuyển ngay tại bên ngoài nhà kho vào tháng 12 năm ngoái, không vì mục đích giải tỏa ùn tắc giao thông mà để ngăn các nhà tổ chức nói chuyện với công nhân trên xe của họ. Amazon phản bác rằng đây là thông lệ phổ biến đối vào mùa lễ cao điểm.
Phản bác lại, Amazon cho rằng cáo buộc về việc tập đoàn này đã đe dọa nhân viên là “không đúng”. Đại diện của Amazon cho rằng họ đã cố gắng lắng nghe, cải thiện mối quan hệ với nhân viên. Kết quả này là sự lựa chọn của nhân viên chứ không phải là chiến thắng của công ty.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.