Nguyên nhân gây tê bì tay chân
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng tê bì tay chân, cụ thể như sau:
1. Ngủ không đúng tư thế
Có rất nhiều người gặp phải tình trạng tê bì tay chân do ngủ không đúng tư thế, đặc biệt là dân văn phòng bởi họ thường thích gối đầu lên cánh tay để ngủ trưa. Điều này khiến cánh tay bị đè nặng trong thời gian dài, sẽ gây ra hiện tượng tê tay.
Tuy nhiên, tình trạng tê tay do bị vật nặng đè nén trong thời gian dài có thể được cải thiện bằng cách chầm chậm cử động cánh tay, giúp máu được tuần hoàn và lưu thông, từ đó cải thiện tình trạng tê tay
Ảnh minh họa: Ngủ sai tư thế có thể gây ra tình trạng tê tay nhưng tình trạng này thường không kéo dài quá lâu.
2. Làm việc thiếu khoa học
Việc bê vác vật nặng thường xuyên, làm việc quá sức gây mệt mỏi, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế, lười vận động cũng đều có thể gây tổn thương đến các dây thần kinh và dẫn đến tình trạng tê bì tay chân.
3. Do các loại bệnh lý
Hiện tượng tê tay chân cũng có thể là do cơ thể mắc phải một số bệnh lý. Nếu tình trạng tê bì tay chân không rõ nguyên nhân cụ thể và diễn ra trong thời gian dài không thuyên giảm thì mọi người cần cảnh giác, tốt nhất là nên đến bệnh viện thăm khám để phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời.
Tê bì tay chân – cảnh giác bệnh tật ‘bủa vây’
1. Mỡ máu cao
Triệu chứng tê bì chân tay rất có thể là dấu hiệu của mỡ máu cao. Mỡ máu tăng cao sẽ dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, gây ra xơ cứng động mạch, cản trở quá trình chuyển hoá oxy và các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Khi máu không được tuần hoàn và lưu thông thì tay chân là những điểm cuối trong quá trình tuần hoàn máu, là bộ phận cách xa tim nhất nên sẽ chịu tác động rõ rệt nhất, điển hình là tình trạng tê bì chân tay. Tình trạng tê tay trở nên nghiêm trọng còn có thể dẫn đến hiện tượng đau đầu, chóng mặt,…
Mỡ máu cao nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, mọi người cần đến bệnh viện để kịp thời kiểm tra và điều trị để ổn định lượng mỡ trong máu.
2. Tiểu đường
Người mắc bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu tương đối cao. Lượng đường trong máu cao sẽ gây hại cho hệ thần kinh và mạch máu, từ đó gây ra các hiện tượng đa xơ cứng mạch máu và làm thoái hoá hệ thần kinh, đồng thời gây ra bệnh viêm dây thần kinh, dẫn đến tê bì tứ chi, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Tê bì chân tay cũng có thể là biểu hiện ban đầu của các biến chứng do tiểu đường. Vì vậy, người mắc tiểu đường bị tê hai tay thì nên đến bệnh viện để kiểm tra đường huyết và uống thuốc đều đặn. Ngoài ra người bệnh cũng cần điều chỉnh thói quen ăn uống để hỗ trợ cho việc ổn định đường huyết và cải thiện tình trạng tê bì chân tay.
Ảnh minh họa: Tê bì chân tay cũng có thể là biểu hiện ban đầu của các biến chứng do tiểu đường.
3. Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và lưng
Tê bì chân tay cũng có thể đến từ bệnh thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ hoặc cột sống. Nếu hai bộ phận này đột nhiên xảy ra vấn đề sẽ tạo áp lực lên dây thần kinh, làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông và tuần hoàn máu, từ đó dẫn đến tình trạng tê bì tay chân.
Không chỉ vậy, thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và cột sống còn có thể dẫn đến tình trạng đau nhức vai gáy, đặc biệt là đối với những người thường xuyên ngồi lâu làm việc trước máy tính như dân văn phòng hoặc những người cao tuổi, cơ thể ngày càng lão hoá thì càng cần chú ý đến đốt sống cổ và cột sống.
Thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ và lưng là dạng phổ biến nhất của chứng thoát vị đĩa đệm, với tính chất nguy hiểm, diễn biến khó lường, có nguy cơ trẻ hóa cùng các tổn thương không thể phục hồi. Vì vậy, khi xuất hiện triệu chứng tê tay không thể cử động đi kèm với tình trạng đau vai gáy, đau vùng cổ và thắt lưng, mọi người nên đi khám kịp thời để điều trị sớm.
4. Gout
Tê bì chân tay cũng có thể là do bệnh gout gây ra. Trong trường hợp này, người bệnh sẽ bị tê và đau từ dưới chân, sau đó cơn đau sẽ lan rộng dần lên phía trên đầu gối và cánh tay. Cánh tay của người bệnh sẽ bị tê và sưng tấy, ngón tay sẽ cảm nhận được cơn đau kịch liệt.
Hậu quả của việc không điều trị gout đúng cách chính là những đợt viêm khớp cấp tái phát thường xuyên. Không những thế, ở giai đoạn mãn tính, người bệnh có thể xuất hiện hạt tophi trên các vùng khớp lân cận, gây hạn chế vận động. Ngoài ra, bệnh gout cũng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gây tổn thương thận.
Ảnh minh họa: Tê bì chân tay cũng có thể là do bệnh gout gây ra.
5. Đột quỵ
Tê bì chân tay có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ. Những năm gần đây, số người đột quỵ ngày càng nhiều, và còn đang có xu hướng trẻ hoá. Vì vậy, bình thường mọi người nên chú ý đến những triệu chứng nhỏ như tê bì tay chân.
Trước khi đột quỵ, rất nhiều người đều sẽ xuất hiện hiện tượng lạ trên cơ thể, ví dụ như đau và tê tay, chóng mặt, đau đầu… Đây là những tín hiệu “cầu cứu” mà cơ thể sản sinh ra để cảnh báo cho mọi người.
Các bệnh liên quan đến mạch máu thường sẽ là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ ở người già. Vì vậy, người cao tuổi cần chú ý bảo vệ sức khoẻ cho mạch máu. Nếu như xuất hiện các hiện tượng lạ cần đến bệnh viện để kiểm tra và tiến hành điều trị.
6. Hội chứng ống cổ tay
Nguyên nhân gây ra hội chứng ống cổ tay là do thần kinh căng thẳng mệt mỏi. Các triệu chứng thường thấy nhất là tê tay ở phụ nữ trên 50 tuổi. Các triệu chứng tê tay, đau tay sẽ trở nên rõ ràng hơn vào ban đêm.
Khi cơ thể xuất hiện tình trạng này, mọi người nên hạn chế cử động cổ tay và nên lập tức đến bệnh viện để kiểm tra.
Kết luận
Tê bì tay chân do mắc bệnh lý thì cần tìm ra nguồn cơn của bệnh tật và điều trị gốc rễ. Vì vậy, khi tình trạng tê tay diễn ra thường xuyên, mọi người nên đến bệnh viện để thăm khám, phát hiện bệnh kịp thời và nhận được sự tư vấn từ bác sĩ để xây dựng thói quen ăn uống và luyện tập hợp lý giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.