TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, dự định điều chỉnh giá lần hai trong vòng một năm, khiến đồ công nghệ có nguy cơ tăng giá.
Theo Nikkei Asia, TSMC nâng giá chip do chi phí sản xuất tăng, cùng những lo ngại về lạm phát và tham vọng tăng trưởng của công ty trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung linh kiện trên toàn cầu.
Các nguồn tin cho biết giá chip của TSMC dự kiến tăng từ 5% đến 8% tùy quy trình sản xuất, bắt đầu được áp dụng từ năm tới. Việc điều chỉnh áp dụng cho cả dòng chip phổ thông lẫn chip tiên tiến dùng trên cảm biến, bộ điều khiển và IC nguồn.
Techwire Asia nhận định, động thái của TSMC sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng đầu cuối vì hàng loạt thiết bị điện tử, từ smartphone cho đến PC, đều sẽ bị ảnh hưởng.
Hãng nghiên cứu Counterpoint ước tính đồ công nghệ có thể nâng giá 5-12% trong năm nay do các nhà cung cấp chip tăng giá. “Các công ty sản xuất điện thoại sẽ bị thiệt hại nặng nhất từ việc điều chỉnh giá chip. Nếu không bán đắt hơn, họ sẽ bị giảm lợi nhuận. Nhưng nếu nâng giá, người dùng sẽ dè chừng hơn trong việc chi tiêu và các lô hàng 5G có nguy cơ bị chậm lại”, Counterpoint nhận định.
Theo giới phân tích, dù TSMC thông báo sớm sẽ giúp khách hàng có sự chuẩn bị, người dùng sẽ vẫn phải sắm thiết bị công nghệ giá cao thời gian tới do các nhà sản xuất phải trả nhiều tiền hơn cho việc mua chip.
Một giám đốc điều hành có thâm niên trong ngành chip cho rằng việc tăng giá có thể áp dụng cho những dòng chip đời mới, nhưng khó có thể chấp nhận được với các chip phổ thông hoặc đời cũ.
Covid-19 và nguy cơ lạm phát khiến nhu cầu về smartphone, máy tính cá nhân chững lại, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các nhà sản xuất chip. Ngoài ra, việc tăng giá cũng phản ánh các khoản chi tiêu khổng lồ của TSMC cho kế hoạch nâng quy mô hoạt động. Từ đầu năm tới nay, công ty đã chi 40-44 tỷ USD và dự kiến đầu tư thêm 100 tỷ USD để mở rộng nhà máy đến năm 2023.
Thông báo của TSMC được đưa ra chưa đầy một năm sau đợt điều chỉnh mạnh nhất trong một thập kỷ. Vào tháng 8/2021, hãng thông báo tăng giá chip 20% do khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu. Một số đối thủ cạnh tranh như United Microelectronics và Semiconductor Manufacturing International cũng thay đổi giá nhiều lần vào năm ngoái. “Tuy nhiên do độ ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu, động thái của TSMC có thể làm rúng động ngành chip”, Nikkei Asia bình luận.
Trước đó vào tháng 3, Chủ tịch TSMC Mark Liu tuyên bố giá linh kiện và vật liệu đắt đỏ đã ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các công ty bán dẫn, khiến chi phí sản xuất tăng cao.
Quyết định của TSMC được đưa ra trong bối cảnh lĩnh vực chip đang bị thiếu hụt trầm trọng từ linh kiện, phụ tùng đến vật liệu. Tình trạng này khiến thời gian giao các đơn hàng có thể bị kéo dài đến 18 tháng.
ASML, nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip lớn nhất châu Âu, lo ngại vấn đề lạm phát, chi phí lao động, nguyên liệu và năng lượng tăng cao sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận gộp của hãng xuống một điểm phần trăm.
TSMC hiện chưa đưa bình luận về quyết định tăng giá chip của mình.
Thảo Hiền (theo Nikkei Asia)
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.