Chúng ta có thể gặp đủ kiểu đồng nghiệp và đây không phải là điều mà bạn có thể kiểm soát. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên nếu có gặp một người mà bạn không thích. Hãy ứng xử khôn ngoan.
Thông thường, chúng ta sẽ đến gần những người mình thích và tạo khoảng cách với những người mình không thích. Tuy nhiên, nơi làm việc cũng giống như một xã hội thu nhỏ, không phải bạn muốn thế nào cũng được như ý.
Do đó, muốn làm việc thuận lợi thì vẫn phải học cách đối nhân xử thế, nếu gặp người không thích thì đừng từ chối mà hãy học cách chấp nhận.
Table of Contents
01. Trước tiên, hãy cư xử lịch sự với nhau và đừng tỏ thái độ
Nhà triết học Montesquieu từng nói, “Lịch sự là cách đơn giản để đem lại vui sướng cho cả người làm và người nhận.”
Đối xử nhã nhặn với mọi người là việc không tốn một xu nhưng lại có thể rút ngắn khoảng cách giữa mọi người, ít nhất sẽ không khiến đối phương chán ghét, sinh ra phản cảm.
Ở nơi làm việc, nhiều mâu thuẫn không bắt nguồn từ công việc khó khăn hay tính cạnh tranh với nhau mà thường khởi đầu từ những lời nói lạnh nhạt, sinh ra cảm giác xa lánh.
Nếu không có thiện ý về một người, đôi mắt, đôi tai và cả trí tuệ của chúng ta đều sẽ bị “ác ý” làm tắc nghẽn, khả năng phán đoán cũng sẽ bị mất đi sự chính xác. Do đó, ở nơi làm việc, nếu bạn tỏ ra chán ghét người khác thì đối phương cũng sẽ chán ghét bạn. Hai bên đều thiếu đi sự lịch sự và nhã nhặn dành cho đối phương. Quan hệ sẽ ngày một tồi tệ.
Bí quyết để trở nên hòa đồng của người EQ không có gì phức tạp, đơn giản chỉ là: Bạn muốn được đối xử ra sao, hãy đối xử với người khác y như vậy.
Tưởng tượng mối quan hệ giữa 2 người giống như một mặt gương. Thái độ của bạn sẽ phản chiếu thông qua chính mặt gương đó, trở thành kết quả mà bạn nhận về.
Ứng xử khôn ngoan – Cho dù không thích nhau nhưng chỉ cần giữ phép lịch sự cơ bản, mọi người vẫn có cơ hội hòa giải với nhau trong tương lai. Ít nhất là để lại một đường lui cho bản thân, không đẩy mối quan hệ tới kết quả tồi tệ nhất.
Ảnh minh họa. Nguồn: Abolouwang
02. Nhìn vào điểm mạnh chứ đừng “chăm chăm” soi mói điểm yếu của người khác
Như có câu: “Ai cũng có sở trường, sở đoản riêng”.
Kẻ đáng ghét trong mắt bạn lại rất được lòng mọi người xung quanh. Người “vô hình” ở công ty này lại trở thành tâm điểm chú ý tại một công ty khác. Lý do cho điều này là gì? Đó là do họ có thể gặp đúng người, đúng môi trường, tại đúng thời điểm hay không.
Thiên lý mã là con ngựa quý và tốt nhất trong các giống ngựa cũng bị phí hoài tài năng, mờ nhạt trong đàn ngựa rất lâu cho tới khi Bá Nhạc, bậc thầy am hiểu về ngựa, phát hiện ra nó.
Do đó, một người có thể vô cùng thiếu sót, cũng có thể vô cùng tài giỏi, chỉ tùy thuộc vào thái độ và góc nhìn. Nếu quá tập trung vào những yếu điểm thì sẽ khó có thể khai phá, tìm tòi những ưu điểm nổi bật của người đó.
Giữa các mối quan hệ, ai cũng từng có lúc gây gổ, xích mích, cũng có khi bất đồng quan điểm, không thể dung hòa. Nhưng khi tất cả mọi người tập hợp lại với nhau, đó là một đội nhóm cùng đồng cam cộng khổ, cùng hướng tới một mục đích chung. Đó là lúc mà chuyện cũ cần được bỏ qua, mỉm cười và chấp nhận quá khứ.
Ảnh minh họa. Nguồn: Abolouwang
03. Điều tiết cảm xúc, tâm bình khí hòa tại nơi làm việc
Trong công việc, chúng ta thường gặp phải những điều như thế này: làm việc gì đó một cách hấp tấp, càng làm càng khó chịu.
Ví dụ, bạn muốn lập một bảng số liệu và đã bận rộn làm việc trên máy tính rất lâu, nhưng vì cảm xúc không thuận nên khi đá vào máy một cái, khiến máy tính trục trặc, đánh mất toàn bộ số liệu vừa tổng hợp. Vậy là bạn bắt buộc phải làm lại mọi thứ từ đầu với sự bực tức gấp bội.
Cho nên người gánh sự hậu quả từ sự tức giận đầu tiên sẽ luôn là chính bạn. Người khác sẽ không hiểu cho cảm xúc của bạn, họ chỉ bàng quang và chế giễu mà thôi.
Bạn cần phải xác định rõ rằng: Tất cả mọi người bước vào nơi làm việc không phải để mua vui mà để kiếm tiền và nuôi sống gia đình. Đấu đá nội bộ chỉ là tồn tại khách quan, còn mục tiêu chung của tất cả mọi người đều nhất trí với nhau.
Bạn dồn quá nhiều tâm sức vào những người mà bạn không thích thì bạn sẽ có ít thời gian quan tâm đến bản thân, càng ít thời gian để vui vẻ và tận hưởng công việc. Đây là cách làm trăm hại mà không một lợi.
Napoléon đã nói: “Một người đàn ông có thể kiểm soát cảm xúc của mình còn vĩ đại hơn một vị tướng quân có thể chinh phục một thành trì”.
Trong môi trường công sở, để làm tốt công tác quản lý, điều quan trọng nhất là phải quản lý được con người. Bản thân bạn cũng nằm trong phạm vi bị quản lý, đừng coi bản thân mình như một phạm trù khác biệt.
Nói cách khác, bạn có cảm xúc không tốt đối với một người thì đó chỉ là xích mích nội tâm của chính bạn, không liên quan gì tới công việc. Hãy giữ nó cho riêng mình, tự điều tiết lại cảm xúc để giữ thái độ thích đáng tại nơi làm việc.
Mọi công việc đều vất vả, kiếm ra tiền càng không dễ dàng. Nếu không gồng gánh cùng nhau cũng đừng biến hành trình này trở nên mệt mỏi hơn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Abolouwang
Lời kết – Ứng xử không ngoan
Những thứ vụn vặt càng nhiều thì trí óc của con người càng nhỏ.
Nhiều người cho rằng khi gặp người mình không thích thì tốt hơn hết là cứ giữ khoảng cách. Tuy nhiên, trong môi trường công sở, giữ khoảng cách với người khác chỉ khiến công việc của bạn trì trệ hơn, thiếu “sự bôi trơn” cần thiết. Vì xét cho cùng, rất nhiều nhiệm vụ đòi hỏi sự hợp tác của nhiều người và liên quan đến tất cả các khía cạnh.
Thay vì cứ tập trung vào cảm xúc của bản thân, tốt hơn hết bạn nên tiết chế tâm trạng và lắng nghe ý kiến của mọi người. Nếu bạn có thể sử dụng điểm mạnh của mọi người và thu thập trí tuệ, bạn mới có thể trở thành một bậc thầy thực sự.
Điều quan trọng là hãy thoải mái và bao dung hơn, hãy ứng xử khôn ngoan để cuộc sống trở nên “dễ thở”.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.