Bão giá – Dân văn phòng đối phó với “bão giá” như thế nào?
- Lần gần nhất bạn được tăng lương là khi nào?
- Lần gần nhất bạn thốt lên đầy hốt hoảng: Ủa, sao món này nay có giá đắt thế!… là khi nào?
Có thể, thời gian tăng lương đang tỷ lệ nghịch với mốc thời gian bạn phát hoảng vì vật giá leo thang. Một bộ phận dân công sở với mức lương không tăng đã nhiều lần phải chịu cảnh “méo mặt” vì giá cả trên trời, bắt buộc phải tính đến phương án cân đối tài chính, cắt giảm chi tiêu hàng ngày. Tuy vậy, cũng có nhiều người vẫn giữ nguyên cách chi tiêu như trước vì cảm thấy cắt giảm là không cần thiết.
Table of Contents
Lương đứng im – cái gì cũng tăng giá, mỗi người một cách “thắt ví”
Trong khi nhiều dân công sở sử dụng dịch vụ đặt thức ăn qua mạng vì quá bận rộn, việc giá xăng tăng ảnh hưởng cước phí khiến nhiều người buộc phải thay đổi hành vi tiêu dùng. Không chỉ các bạn nữ “khéo tay hay làm” chuyển sang tự nấu mà các anh chàng cũng đã phải xắn tay vào bếp làm cơm văn phòng để tối giản chi phí.
Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 2000, nhân viên IT, làm việc tại TP. HCM) cho hay: “Công ty mình ở quận 3 nên mua đồ ăn trưa gần công ty rất đắt. Ngày trước thì mình vẫn ăn được nhưng bây giờ vật giá leo thang thì chuyển sang tự nấu. Mình ở Bình Tân, mua thực phẩm ở chỗ mình rẻ nên duy trì tự nấu cơm trưa từ đó tới giờ”.
Trong tình trạng đồ nước uống order tăng mà vẫn muốn ra ngoài quán ngồi cafe với bạn bè, Hải Long (sinh năm 1995, Bình Thạnh) quyết định tự pha nước của mình mang tới quán tụ tập với hội bạn. Vốn là một người ham mê tốc độ với những chiến mã hai bánh thuộc dạng “khủng”, giờ Hải Long cũng bớt chạy xe lại và sử dụng bí kíp “chạy đúng RPM của xe để lợi kinh tế”. Việc này, dù không quá nhiều nhưng cũng giúp anh chàng tiết kiệm được vài trăm mỗi tháng.
Lương không tăng nhưng chi phí nào cũng tăng khiến nhiều người bắt buộc phải cắt giảm chi phí nhiều khoản và “cày” thêm việc kiếm thu nhập. Khánh Triều (sinh năm 1992, Producer) bây giờ bớt ăn ngoài, giảm đi cà phê và ăn nhậu hơn hẳn dạo trước: “Bình thường, mỗi tháng mình tiêu tầm 6 triệu thì giờ chỉ còn 3 – 4 triệu thôi. Nếu ăn ở ngoài 1 tuần thì tốn tầm 700k tới 1 triệu nhưng giờ thì còn khoảng 300 – 400k vì tự nấu ăn”.
Khánh Triều tích cực “cày” job thêm để nâng cao thu nhập
Trương Ngọc (sinh năm 1997, nhân viên đồ hoạ) đã hoạch định kế hoạch chi tiêu cụ thể, khoa học và áp dụng nhiều “típ” để giảm tiêu hoang trong vòng 1 năm nay: Hạn chế mang tiền lẻ để tránh mua đồ ăn vặt ngoài đường, thay vì chọn trà sữa thì chuyển sang trà chanh, ô long (chỉ khoảng 10k), hạn chế đi chơi xa, săn voucher giảm giá,… Những niềm yêu thích rất “con gái” dễ khiến bản thân tiêu hoang như mua quần áo nhiều thì nay hạn chế, chỉ mua đồ nào có mặc được trong nhiều trường hợp nhất. Mục tiêu của cô nàng là giữ được khoản tiết kiệm ổn định, vào khoảng 3/5 lương mỗi tháng là hợp lý trong thời điểm “bão giá” khó đoán hiện nay.
Cũng là người có kế hoạch chi tiêu rõ ràng, Phương Uyên (chuyên viên video, TP. HCM) giữ mức tiêu xài cá nhân trong khoảng 4-5 triệu/ tháng bao gồm xăng xe, thú vui giải trí và mua sắm. Đáng nói, trong thời điểm giá cả tăng cao như bây giờ, để có thể giữ được mức khung tiêu xài tự đặt ra như vậy, Phương Uyên có sự điều chỉnh từ thay đổi số lượng tới cân nhắc các dịch vụ, đồ dùng,… có mức chi phí “ổn áp” nhất có thể.
Cuộc sống của Phương Uyên phải thay đổi cắt giảm nhiều thú vui ăn chơi
Tiền xăng xe, Phương Uyên tiết kiệm bằng cách nhờ bạn đèo hoặc tự đạp xe đi ăn cuối tuần. Ngày trước ăn trưa không cần suy tính nhưng giờ đắn đo nhiều hơn, ăn sáng đều đặn tuần 3 bữa nay cũng đã không còn, tự đi bộ mua cà phê gần công ty, order đồ ít hơn hẳn vì không tìm được ai chia sẻ tiền ship đắt đỏ. Tuy thế, “đau” nhất phải nói tới plan mỗi tuần một bữa ăn uống quẩy tưng bừng 500k nay cũng đã phải giảm xuống chỉ còn 2 bữa/ tháng. Cuộc sống thoải mái tiêu xài trước đây đã có khá nhiều thay đổi với Phương Uyên.
Trong lúc nhiều người cảm thấy chật vật vì phải cắt giảm nhiều thú vui tiêu xài yêu thích thì cũng có dân văn phòng tìm được “lối ra” thú vị, thậm chí khiến cho cuộc sống vui tươi, lành mạnh hơn trước đây rất nhiều.
Nguyễn Quyên (sinh năm 1998, nhân viên content) thừa nhận cuộc sống của mình thay đổi nhiều trong thời “bão giá”, nhưng đây là thay đổi theo hướng tích cực hơn. Cô nàng cùng với em gái giờ đèo nhau đi làm dù nhà có 2 xe máy, tự nấu ăn cho nhau (mỗi tuần chỉ cần 300k là đủ), thay vì order nước xế chiều đắt đỏ thì chuyển sang nước dừa vừa ngon vừa bổ dưỡng, tự học pha cafe và tập trung đi học đi làm chứ không la cà dạo phố nhiều như trước. Cuộc sống của đôi chị em xa nhà vì thế nhẹ nhàng, healthy, tình cảm và cũng nhiều thứ hay ho hơn thấy rõ.
Nguyễn Quyên học pha đồ uống giúp giảm chi phí order
Một bữa ăn trưa đơn giản của Quyên với các nguyên liệu sẵn có do ba mẹ gửi lên
Tương tự vậy, Hoàng Anh (sinh năm 1996) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng sẵn sàng chuyển công tác về Ba Vì. Cuộc sống đô thị áp lực tài chính khiến cô nàng yêu thích cuộc sống về quê trồng rau, nuôi gà. Ở đây, cô nàng bớt được nỗi lo khi: “Có thiếu gì cũng có thể ra vườn, quần áo chuyển mùa mới mua thêm, mỹ phẩm dùng tiết kiệm, đi lại cũng không mấy vì nhu cầu giảm bớt”.
Hoàng Anh lựa chọn chuyển công tác về Ba Vì
Hoàng Anh chia sẻ: “Mình thấy thấy mọi người cứ lựa chọn nhà chung cư hay nhà mặt đất. Nhưng mình chọn nhà sân vườn. Ra ngoại ô đỡ kẹt xe, không khí thoáng đãng, đỡ ô nhiễm, ở rộng rãi không ồn ào mà tiết kiệm chi phí được hẳn một nửa so với trước”.
Hoàng Anh vui vẻ với sự thay đổi mới trong cuộc sống
Vẫn có người book xe đi làm giá lên tới 200 – 220k, đều đặn sắm túi xách, son phấn, mỹ phẩm, mua thẻ gym
Dù nhiều người đã có sự thay đổi trong cách chi tiêu để đối phó với thời kỳ “bão giá”, người bớt cái này, người cắt khoản kia,..để cân đối thu chi. Một số lượng lớn dân văn phòng khác vẫn giữ nguyên mức sinh hoạt vì cảm thấy không cần giảm bớt cái gì, những thứ chi ra đều là thiết yếu nên không cần lo lắng nhiều.
Kim Khánh (Kế toán, Hà Nội) chia sẻ thẳng thắn: “Trong văn phòng mình có người đã có nhà riêng, kinh tế vững mạnh, cũng có nhà hoàn cảnh vẫn khó khăn phải đi thuê trọ nhưng mọi người vẫn ăn tiêu như trước. Bản thân mình đã đi làm nhiều năm, thời điểm bây giờ vẫn đang đi làm bình thường và quan trọng hơn cả là đã có sự chuẩn bị tương lai từ trước, không phải tới bây giờ mới hốt hoảng thắt chặt chi tiêu, ăn uống”.
Khán giả này nhận xét “Nói chung thì nghe trên tivi đài báo thấy có vẻ là mọi người tiết kiệm hơn nhưng thực tế mình thấy mọi người đang ăn chơi bù thời COVID nên tiêu pha, mua sắm, du lịch… nhiều hơn cả trước“. Tất nhiên, Kim Khánh vẫn nhận thấy có một bộ phận dân văn phòng lo xa nên tiết kiệm hơn nhưng mặt bằng chung mọi người vẫn vậy.
Đối với Hường (sinh năm 1994, TP. HCM), các thói quen sinh hoạt không hề có sự thay đổi gì, thậm chí cô nàng còn ngạc nhiên khi nghe tới câu hỏi về chuyện chi tiêu trong thời buổi vật giá leo thang vì cơ bản là cô nàng…không để ý. Hường vẫn duy trì đặt xe ô tô công nghệ để di chuyển tới công ty, giá bình thường 120- 170k cho taxi và có khi lên tới 200 – 220k cho giờ cao điểm hoặc mưa. Cô nàng đều đặn sắm túi xách, son phấn, mỹ phẩm, mua thẻ gym mới,… vì cảm thấy không cần giảm khi mua theo nhu cầu của bản thân.
Bích Ngọc cảm thấy không cần thay đổi chi tiêu trong thời “bão giá” này
Cùng chung quan điểm không cần giảm chi, Bích Ngọc (sinh năm 1994, Hoà Bình) sau khi không còn làm full – time ở Hà Nội mà chuyển sang dạng CTV tại công ty mới cho rằng: “Không cần bớt khi bản thân chỉ chi tiêu vào những thứ cần thiết”.
Lý do mà Bích Ngọc đưa ra là vì: “Một phần là lương không cao nhưng cũng ổn. Một phần là nhu cầu mình ít, mua sắm những thứ cần thiết, hiếm khi mua linh tinh, đi chơi cũng ít. Nhưng ví dụ đồ ăn là thứ thiết yếu thì không tiếc. Thèm gì muốn ăn thì mình mua. Không cần tiết kiệm quá mức”.
Còn bạn? Bạn đang chống chọi với thời bão giá này bằng cách nào?
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.