Cha mẹ nào cũng hết mực yêu thương con cái và muốn mọi điều tốt đẹp nhất đến với con, nhưng dung túng cho những lỗi lầm của con một cách bất chấp lại là chuyện khác.
NẾU CON CÓ LỖI, CHA MẸ CẦN NHÌN LẠI CON MÌNH VÀ CÁCH GIÁO DỤC CON CÁI
– Con anh đánh con tôi chảy máu mũi ngày hôm nay…
– Chắc con chị phải làm gì đó mới khiến thằng bé tức tối như thế.
Đoạn hội thoại tiếp theo xin được cắt vì nó đã leo thang lên đỉnh cao căng thẳng và rơi vào ngõ cụt. Cuộc chiến không phân thắng bại vì 2 vị phụ huynh thì đều xù lông xù cánh bảo vệ con mình mà không cần tìm hiểu xem lỗi sai thuộc về ai, sự thật câu chuyện như thế nào…
Tranh minh họa
Đây không phải là câu chuyện của riêng ai, có nhiều trường hợp tương tự như thế khi cha mẹ chỉ vì muốn bảo vệ con mình đã quên mất nhìn lại con, dung túng cho mọi hành vi có lỗi của trẻ.
Không chỉ cách giáo dục trước đây của cha mẹ đã sai lầm mà ngay cả đến cách khắc phục nó dường như cũng vẫn mô típ ấy, không chịu chấp nhận rằng mình đang sai, con mình đang chưa đúng, mà mục tiêu chỉ là CHIẾN THẮNG.
Các nhà tâm lý học nói rằng, những đứa trẻ được nuông chiều thực ra không thực sự muốn trở thành kẻ gây rối. Chúng mong muốn được cha mẹ dạy dỗ và ngăn chặn những hành vi ngỗ ngược, ích kỷ của chúng, chứ không phải là thỏa hiệp.
Vì vậy, khi nhận ra con mình có những điểm sai lầm hãy xem lại cách thức giáo dục con cái trước tiên chứ không phải là tìm cách thể hiện rằng gia đình ta mới là người đúng.
Nuông chiều khác với những ông bố bà mẹ tâm lý, nó chỉ dễ khiến những đứa trẻ trở nên ích kỷ, thích ra lệnh cho người khác và phải đạt được tất cả những thứ chúng muốn, hiếu thắng, không thích chia sẻ, thậm chí sẵn sàng thô lỗ với bất kỳ ai.
Theo Richard Bromfield, Tiến sĩ tâm lý học tại Trường Y Harvard, ông nói rằng trẻ em thực sự muốn cha mẹ chúng có phong cách, biết đặt ra các quy tắc và hướng dẫn chúng lớn lên bình thường. Một khi cha mẹ thiếu tính kỷ luật, thiếu sự nghiêm khắc dễ dẫn đến con cái sẽ tạo ra những rắc rối và chúng sẽ chờ bao giờ người lớn sẽ ngăn chặn những hành vi ấy…
QUÁ NUÔNG CHIỀU DỄ KHIẾN ĐỨA TRẺ TRỞ NÊN ÍCH KỶ, THIẾU KIÊN NHẪN VÀ ÍT BIẾT TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Tiến sĩ tâm lý học Dan Kindlon của Đại học Harvard cho biết, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ, thì khi bước vào thời kỳ thanh thiếu niên, chúng dễ trở thành tự cao, thiếu tính kỷ luật, lo âu và trầm cảm.
Dù trẻ con được coi là thế hệ tương lai, nhưng cho lũ trẻ được quyền làm trung tâm vũ trụ lại là chuyện khác. Có nhiều gia đình cha mẹ khá giả đã nói với con rằng: “Muốn gì hãy nói với mẹ, mẹ sẽ cho con những thứ con muốn” hoặc “Ra ngoài kia không phải sợ ai cả, có bố mẹ ở đây rồi”. Và đã không ít những cảnh như phim “Cuộc chiến thượng lưu phiên bản Việt” đã xảy ra ở những ngôi trường có học phí hàng tháng tính bằng đơn vị ngàn đô.
Câu “có bố mẹ ở đây rồi” vốn rất tâm lý nhưng trong trường hợp này lại khiến lũ trẻ nghĩ rằng mình làm gì thì cha mẹ cũng sẽ bảo vệ và đứng về phía của mình, đó lại là điều không tốt. Điều này sẽ dễ dẫn đến hình thành những đứa trẻ thiếu kiên nhẫn, lộng quyền và ít biết tôn trọng người khác.
Chính vì vậy nhiều người mới cho rằng sự nuông chiều vô điều kiện của cha mẹ không phải là thương con, chúng chỉ là đang giết những đứa trẻ một cách chậm rãi và đau đớn nhất vì ngay từ thuở nhỏ chúng đã trở nên mưu mô, hiếu thắng.
Tranh minh họa
Hãy tự trả lời câu hỏi này: “Dù cho cha mẹ có thể dùng cả 1 đời mình để bao bọc hay dung túng cho con cái, nhưng có “che chở” được hết cuộc đời con hay không?”. Và nữa, nếu nhìn bằng cái nhìn khách quan thì con cái chính là tấm gương phản chiếu cha mẹ, con cái có thể học tập chúng ta theo cách nào đó.
Vì vậy, nuôi con bằng tình yêu thương nhưng không có nghĩa là bỏ đi tính kỷ luật và cần phải học điều hay lẽ phải, cần biết xin lỗi và sửa sai khi mắc sai lầm với ai đó. Cha mẹ để con mình được vui tức thời, có được đắc thắng hiện tại vì có sự che chở, nhưng lại dễ mất đi tính tự lập, khả năng hòa nhập và dễ cô đơn trong cuộc sống sau này.
Chúng ta làm cha làm mẹ cũng phải liên tục nắn chỉnh chính mình vì chúng ta cũng có thể mắc sai lầm. Trẻ con cũng vậy, chúng cũng sai lầm, vì vậy nếu có bàn tay của mẹ, của cha cùng hướng dẫn sẽ giúp chúng nhận ra lỗi, biết sửa sai và phấn đấu đến một phiên bản tốt hơn.
Còn sự nuông chiều, bảo vệ, dung túng của cha mẹ một cách mù quáng thực sự có thể làm hỏng con mình. Và hãy nhớ dù cho gia đình bạn có danh gia vọng tộc như thế nào, thì cũng đừng cho rằng con mình mới là vàng, còn con người chỉ là bùn!
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.