“Yêu sớm” hay “viết thư tình” ở lứa tuổi tiểu học là những câu chuyện không hiếm được cha mẹ, thầy cô giáo truyền tai trên các diễn đàn mạng xã hội.
Chị Nguyễn Phương L. (37 tuổi, Hà Nội) có con trai đang học lớp 5. Một lần tình cờ dọn dẹp sách vở của con, chị bất ngờ đọc được lá thư tay con viết vội gửi cho bạn gái cùng lớp. Nội dung thư có đôi phần non nớt đúng như lứa tuổi học trò nhưng dù sao cũng thể hiện phần nào sự trưởng thành sớm trong suy nghĩ con trẻ.
Mới đầu chị cảm thấy buồn cười về tình yêu chíp bông, nhưng lại có chút thoáng buồn khi con không chia sẻ với bố mẹ, điều này chứng tỏ con trai chưa đủ tin tưởng vào chị. Chị là người sống ở thời hiện đại nên không quá khắt khe chuyện con yêu sớm. Có thể bây giờ đối với con chỉ là sự quý mến bạn nhưng nếu được bố mẹ đồng hành, định hướng thì con sẽ không lạc đường.
Do đó, để con không nghĩ rằng bố mẹ không tôn trọng mình, chị L. đặt lại bức thư như cũ, coi như chưa biết chuyện gì và chờ thời điểm thích hợp nói chuyện với con.
Chuyện tình tuổi học trò không hiếm nhưng cha mẹ cần có cách xử lý đúng đắn. Ảnh minh hoạ
Cũng từng gặp phải trường hợp tương tự như chị L. nhưng chị D.P.H (Thanh Nhàn, Hà Nội) lại giật mình, lo sợ “con gái nứt mắt đã yêu thì sau này học sao nổi”.
Con gái lớp 3 đã biết viết lời yêu, chị H. lo sợ nhưng không khỏi buồn cười. Chị cũng từng nghe nhiều chuyện những cô bé, cậu bé ở lớp mẫu giáo đã thích nhau, ở lớp thường hay nắm tay nhau, chơi cùng nhau, chị nghĩ “trẻ con ấy mà, quý nhau thì thế chứ biết gì mà yêu đương”. Thế nhưng, khi con gái mới 9 tuổi của chị vừa biết viết chữ đã viết thư tình thì chuyện không còn là… trẻ con nữa.
Chị thầm nghĩ, con mới bé tí mà đã thế này, con thêm 2-3 tuổi nữa thì chắc “yêu thật chứ chẳng phải trò trẻ con”. Chị cảm thấy bất an nên đã thẳng thừng tra hỏi và răn đe con gái để sau này con không tái phạm.
Bình luận về vấn đề này trên VnExpress, chuyên gia Phí Mai Chi của dự án SexEdu, yêu cũng như nhiều cảm xúc khác của con người, là tự nhiên, không có cảm xúc nào là sớm hay muộn.
Trước tiên cần làm rõ khái niệm thế nào là “yêu sớm” ở tuổi học trò. Dưới góc nhìn của người lớn, học trò thì phải tập trung vào học không nên yêu, vì vậy khái niệm “yêu sớm” xuất hiện. Nhưng theo tiến trình phát triển tâm sinh lý lứa tuổi tiểu học thì “yêu” là chuyện rất hợp quy luật.
Về cảm xúc giới tính, trẻ thường được thu hút bởi “cái đẹp”. Các khái niệm đẹp về giới tính dần được hình thành ở giai đoạn này. Trẻ thích kết bạn với người xinh đẹp, học giỏi cùng giới. Quan tâm tới vẻ đẹp của bạn khác giới thông qua việc trêu chọc, cho mượn sách vở, đồ dùng… Vì vậy nhiều bé gái tiểu học thích các bạn nam đẹp trai, học giỏi và ngược lại. Ở tuổi tiểu học trẻ học về cách cảm nhận cái đẹp, cách gọi thế nào là đẹp, học cách kết bạn. Đây là quá trình học hỏi đúng tiến trình tâm sinh lý bình thường.
Ở lứa tuổi tiểu học trẻ bắt đầu có nhận thức rõ ràng về vai trò giới của bản thân trong xã hội. Trẻ quan sát học từ những bạn bè, người lớn xung quanh về khuôn mẫu giới, cách làm con trai và cách làm con gái như thế nào. Con trai mặc quần sóc, áo phông, chơi trò đuổi bắt, ô tô, xếp hình, đi đứng khuỳnh khoàng. Con gái mặc váy, thích màu hồng, chơi trò đan lát, búp bê, buôn chuyện, đi đứng nhẹ nhàng. Với tâm trí non nớt của tuổi tiểu học, trẻ có xu hướng học cách phân loại mạnh mẽ về tính nam và tính nữ để phân biệt tôi với người khác tôi. Trẻ có xu hướng con trai chơi với con trai, con gái chơi với con gái.
Sự lầm tưởng và thiếu hiểu biết của cha mẹ, thầy cô về “cách yêu” của trẻ dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị bắt nạt học đường liên quan đến giới và tính dục. Vậy, gặp trường hợp “yêu” ở tuổi tiểu học thì người lớn nên và không nên làm gì?
– Tôn trọng cảm xúc của các con: Cha mẹ nên gặp gỡ riêng với thái độ tôn trọng, cởi mở, tự nhiên để trẻ có cơ hội kể cho bạn nghe về cảm xúc đang diễn ra trong trẻ, suy nghĩ về người bạn mà trẻ đang quan tâm. Giải thích với trẻ về tình bạn và cách thiết lập mối quan hệ phù hợp với văn hóa nơi bạn đang sinh sống.
– Tuyệt đối không đưa ra bình luận công khai ở nơi đông người, bao gồm cả online (trong nhóm cha mẹ trên mạng xã hội, trên báo chí, truyền thông) và offline (trong buổi họp phụ huynh hay trong giờ sinh hoạt lớp) bởi những người không trực tiếp liên quan thì họ không có vai trò trong xử lý tình huống. Những người này không đủ thông tin để nhận định đúng tình hình đưa ra lời khuyên, thậm chí làm làm câu chuyện lan ra khó kiểm soát, khiến cho việc tẩy chay, bắt nạt học đường trở lên trầm trọng.
Dù ở bất cứ trường hợp nào, cha mẹ hãy lắng nghe trẻ nói và tôn trọng con
– Giữa cha, mẹ và thầy cô thường xuyên trao đổi để hiểu biết rõ vấn đề và mối quan hệ hiện tại của các con, giúp con biết cách xây dựng mối quan hệ phù hợp. Trong trường hợp trẻ đối mặt với nạn tẩy chay, trêu chọc của mọi người xung quanh, thầy cô có thể giải thích, trao đổi với cha mẹ và học sinh để giảm bớt áp lực cho trẻ. Đánh lạc hướng sự chú ý của đám đông, giúp trẻ tự ứng phó và có hành vi ứng xử phù hợp với sự tẩy chay là những việc cần làm.
Cũng theo chuyên gia Phí Mai Chi, với các con tiểu học có tình cảm gọi là “yêu” thì cha mẹ không nên quá lo lắng mà nên mừng vì các trường hợp đa phần xử lý khá đơn giản nếu bắt đầu từ sớm. Những trẻ có khả năng cảm nhận và biểu cảm cảm xúc là những bé có xu hướng học hỏi rất tốt, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu.
Trong mỗi trường hợp lại có cách ứng xử và giáo dục riêng, nếu cha mẹ cảm thấy bối rối, khó tự xử lý thì có thể nhờ sự tư vấn của các chuyên gia tâm lý, không nên để trẻ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý lâu ngày, không lối thoát, ảnh hưởng đến việc xây dựng mối quan hệ lứa đôi sau này.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.