Giới trẻ ăn, làm việc, lướt web cùng lúc: ‘Đa nhiệm’ hay mất tập trung?

‘Đa nhiệm’ hay mất tập trung? Vừa làm việc, lại bật qua tab xem phim, thỉnh thoảng lại lướt điện thoại cùng một lúc…

“Đa nhiệm” thường được hiểu là việc thực thi đồng thời nhiều thao tác, nhiệm vụ mới có thể cắt ngang những việc còn dang dở.

Điều khác biệt nhất của đa nhiệm so với các thế hệ trước là sự xuất hiện của các thiết bị điện tử – thứ vốn được tạo ra để đáp ứng nhu cầu “đa nhiệm”.

Sử dụng công nghệ như thói quen

Ai có thể “đa nhiệm”? Câu trả lời là tất cả.

Ở các thế hệ trước, “đa nhiệm” thường gợi nhắc về hình ảnh những người nội trợ vừa chăm con, làm việc nhà, vừa làm việc để chăm lo toàn diện cho gia đình và hiếm khi thấy sự xuất hiện của thiết bị điện tử.

Thời nay, với người trẻ, “đa nhiệm” nhưng không thể thiếu chiếc điện thoại thông minh, laptop, tai nghe với hàng loạt tiện ích. Các thao tác liền kề nhau, hành động sau cắt ngang hành động trước và diễn ra thuần thục.

Điển hình là hình ảnh vừa ngồi ăn uống trên bàn nhưng vẫn có đủ thời gian cúi xuống lướt điện thoại, hoặc vừa xem phim – ăn – lướt điện thoại để kiểm tra tin nhắn xem có sót gì không; hoặc vừa giặt đồ vừa nghe nhạc vừa xem tin tức…

Nguyễn Phúc Tường Vi (21 tuổi, ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cùng lúc vừa làm việc – ăn uống – lướt Facebook, trả lời tin nhắn là chuyện bình thường: “Làm cùng một lúc nhiều việc dường như đã trở thành thói quen của mình và mình nghĩ bạn trẻ nào cũng đang ở trong tình trạng này”.

Giới trẻ ăn, làm việc, lướt web cùng lúc: Người bận rộn hay đang mất tập trung? - Ảnh 2.

Mở điện thoại lướt Instagram, lướt Facebook giúp các bạn có cảm giác được kết nối và điều đó trở thành thói quen hằng ngày.

Peter Vorderer, nhà tâm lý học, xã hội học và giáo sư khoa học truyền thông tại Đại học Mannheim, cho biết: “Một khi thói quen đã len lỏi vào thì chúng không còn bị nghi ngờ nữa. Điều đó không có nghĩa là mọi người không thể làm khác, nhưng không có lý do gì để thay đổi”.

Vậy là “đa nhiệm” với điện thoại là chuyện tất nhiên?!

Thỏa mãn nhất thời nhưng khó giữ tập trung

Máy nghe nhạc, ti vi, quyển sổ tay, máy nghe nhạc, báo chí, từ điển – tất cả gói gọn trong chiếc điện thoại thông minh. Bạn trẻ có thể lấy ra sử dụng ngay và luôn để giải trí, thỏa mãn trí tò mò ngay tức thì, nhưng những kiến thức vừa tiếp thu thường không giữ được lâu.

Giới trẻ ăn, làm việc, lướt web cùng lúc: Người bận rộn hay đang mất tập trung? - Ảnh 3.

Các ngành nghề cần nhiều sự tập trung cao độ như bác sĩ, tài xế nên tránh xa “đa nhiệm” với công nghệ.

“Mình dùng điện thoại tra từ điển khi gặp từ tiếng Anh không biết trong lúc lướt điện thoại, nhưng thường quên vào những lần sau vì không vận dụng chúng thường xuyên, cũng như lấy điện thoại chụp bài giảng thì có cảm giác yên tâm đã đủ bài nhưng sau đó không bao giờ đụng đến”, Nguyễn Lâm Thúy Vy (22 tuổi, ngụ tại quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói.

Ngoài ra, con người thường hạnh phúc hơn khi thỏa mãn mong muốn một cách nhanh chóng, tức thì. Điều này lý giải vì sao người trẻ thường thích làm nhiều việc cùng một lúc; đó là vì cảm giác tuyệt vời khi hoàn thành được điều gì đó. Tuy nhiên, về lâu dài nó sẽ sẽ giảm sút sức tập trung.

Ví dụ như khi xem phim, nếu bộ phim không đủ hấp dẫn, hầu hết mọi người đều muốn cầm điện thoại lên và lướt. Đôi khi, phim dở chỉ là cái cớ để họ chạm vào điện thoại vì sự mất tập trung của mình.

Đa nhiệm khác với mất tập trung

Phương Thảo (22 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), đang làm truyền thông cho một đội tuyển Esports, không tập trung quá lâu vào một việc vì luôn cần sự sáng tạo từ nhiều nơi để hoàn thành công việc. Cô dành khoảng 30 phút mỗi ngày chỉ ngồi im để luyện sự tập trung.

“Mình liệt kê thứ tự ưu tiên công việc và thực hiện theo thì sẽ đỡ mất tập trung hơn. Sau đó, mình sẽ dành thời gian giải trí để tập thói quen giờ nào việc đó”, cô cho hay.

Còn Quang Minh (21 tuổi, sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, ngụ tại quận 10, TP.HCM) chọn cách tắt bớt các tab về mạng xã hội khi sử dụng máy tính, và dùng điện thoại để quay quá trình học của bản thân để có thêm động lực học tập.

“Ta sẽ được truyền nhiều năng lượng hơn khi thấy hình ảnh tích cực học tập và làm việc của bản thân qua một thiết bị quen thuộc”, Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải lúc nào “đa nhiệm” cũng xấu, vì bản chất con người không thể tập trung vào một việc quá lâu. Có thể làm nhiều hơn một việc trong thế giới “nhiều app”, nhiều điều cần giải quyết ngày nay, nhưng phải đảm bảo sắp xếp công việc một cách hợp lý, ưu tiên cho sức khỏe và sự minh mẫn của bản thân.

Thế giới được thiết kế và vận hành để chống lại bạn

Một trong những vấn đề lớn nhất của thế hệ chúng ta là mặc dù khả năng quản lý sự tập trung của mỗi người đang ngày càng trở nên quý giá thì thế giới quanh ta lại được thiết kế để cướp đi sự tập trung càng nhiều càng tốt.

Internet và các công ty công nghệ là một minh chứng rõ nét. Tất nhiên không khó để thấy rằng tác động của những phát kiến này có nhiều điểm tích cực. Nhưng nói thế không có nghĩa là mọi sự đều tốt đẹp. Tình trạng nghiện smartphone là thật, stress do công nghệ gây ra cũng là thật.

Google và Facebook không chỉ tạo ra các sản phẩm, họ đang tạo ra các hệ sinh thái. Và cách hiệu quả nhất để kiếm tiền từ một hệ sinh thái xuất phát từ sự gắn kết. Đồng thời, các tính năng được thiết kế để chúng ta từ bỏ tối đa sự tập trung của mình.

Năm ngoái, Tristan Harris, một cựu nhân viên của Google, đã chia sẻ về việc các nhà thiết kế tạo ra các tính năng như thế nào để khai thác động lực tinh thần của chúng ta. Họ tìm các điểm mù trong nhận thức; và sử dụng chúng để tác động đến hành vi của chúng ta một cách vô hình. Mọi thông báo, email mà bạn nhận được, mọi website mà bạn truy cập đều được tạo ra để đảm bảo rằng bạn tối đa hóa thời gian gắn kết với sản phẩm của họ. Điều này khiến chúng ta khó mà tập trung vào công việc chính của mình.

Phương pháp rèn luyện tính tập trung

Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần lấy lại sự tập trung của mình. Rất may điều đó không phải là quá khó. Dưới đây là 3 phương pháp giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình; giúp bạn không sa đà vào sự cám dỗ của màn hình và những thứ đồ chơi công nghệ khác.

1. Thiền định

Ngồi thiền nhìn qua khá đơn giản. Bạn chỉ cần ngồi và tập trung vào một điều duy nhất trong môi trường xung quanh mình. Đây là một cách để cải thiện sự mất tập trung cho bạn.

Hầu hết mọi người chọn hơi thở của mình. Họ hít vào, thở ra và tập trung vào quá trình đó. Những suy nghĩ vẩn vơ xuất hiện là chuyện hết sức bình thường. Mục đích của thiền định không phải là loại bỏ mọi hoạt động trí não, mà là quan sát các hoạt động đó trong thời điểm hiện tại.

đa nhiệm hay mất tập trung
Giới trẻ ăn, làm việc, lướt web cùng lúc: 'Đa nhiệm' hay mất tập trung?

2. Không làm nhiều việc một lúc

Trái với những gì chúng ta nghĩ, làm nhiều việc cùng lúc hiếm khi mang lại hiệu quả như mong đợi; đặc biệt là khi phải làm những công việc đòi hỏi phải đầu tư tâm trí. Không chỉ thế, làm nhiều việc cùng lúc còn có hại cho não bộ. Mỗi khi bạn chuyển từ việc này sang việc khác, khả năng nhận thức của bạn sẽ chùng xuống một lúc. Điều này tạo ra những căng thẳng không đáng có.

Làm một việc duy nhất với sự tập trung cao độ giúp bạn loại bỏ tác động tiêu cực này. Ngoài ra nó còn mang lại sự hiệu quả và giúp ta dần lấy lại khả năng tập trung. Trên thực tế, lợi ích của chuyên tâm mỗi lúc làm một việc cũng tương tự như ngồi thiền. Bạn càng rèn luyện thì càng thành thạo hơn; càng có khả năng hướng sự tập trung của bạn vào những gì mình muốn.

3. Gạt bỏ lề thói cũ

Liên tục kiểm tra điện thoại xem có gì mới và lướt web vẩn vơ có vẻ vô hại, nhưng chúng lại dẫn đến việc mất tập trung.

Mỗi khi bạn cầm điện thoại lên để vào Facebook hoặc Gmail. Bạn chủ tâm chỉ ngồi giải khuây nghe nhạc 10 phút biến thành một tiếng liền lướt web; điều này làm cho bộ não tạo ra một vòng lặp thói quen, củng cố cho hành vi đó.

Tất nhiên các thiết bị điện tử rất quan trọng đối với cuộc sống hiện đại; nhưng để chúng mang lại lợi ích cho cuộc sống, bạn phải đặt ra những ranh giới.

Hãy lấy lại sự tập trung ngay từ hôm nay

Nhà tâm lý học huyền thoại Mihaly Csikszentmihalyi đã từng nói: “Khả năng kiểm soát ý thức sẽ quyết định chất lượng cuộc sống”.

Sự tập trung sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn vì giúp bạn nhận ra những điều nhỏ bé dễ dàng bị quên lãng trong cuộc sống hàng ngày đầy bận rộn.

Sự tập trung cho phép bạn vượt qua các giới hạn vì nó cổ vũ bạn sử dụng thời gian mình có tốt hơn.

Sự tập trung có thể dẫn bạn đến một cuộc sống viên mãn bởi lúc đó bạn chuyên tâm vào những điều thực sự quan trọng với bạn, chứ không phải là những thứ cuốn bạn đi trong vòng xoáy của cuộc sống.

Nếu bạn bảo vệ và vun đắp cho sự tập trung, gần như không gì có thể ngăn cản bạn có được cuộc sống mà mình muốn, vì đó là khởi nguồn của mọi thứ.