Halloween là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên thế giới, và rất được mong chờ vào dịp cuối tháng 10 hàng năm, vì không khí ma mị của nó. Cho đến tận ngày nay, Halloween vẫn được tổ chức ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng có lẽ tại Bắc Mỹ và tại Canada là có Halloween rầm rộ hơn cả. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có lễ hội liên quan đến ma quỷ thường được gọi chung là Halloween. Nhưng mỗi lễ hội lại có đặc trưng riêng về tên, phong tục, ẩm thực… Sự khác biệt này mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị không thể bỏ lỡ. Hãy cùng du ngoạn một vòng quanh thế giới, để thăm thú và tìm hiểu cách mà người dân ở mỗi nước chào đón Halloween như thế nào nhé!
Table of Contents
Halloween tại Mỹ
Các tập tục xuất hiện trong đêm Halloween tại Mỹ là những tập tục phổ biến nhất. Có thể kể đến các hoạt động như:
Trang trí lồng đèn:
Cả người lớn và trẻ em thường chơi trò đục khoét quả bí ngô, củ khoai tây hoặc bí đao, sau đó khắc hình thù những khuôn mặt lên đó, đặt nến vào bên trong để thắp sáng. Những chiếc lồng đèn này được gọi là “Jack O’Lantern”, xuất phát từ truyền thuyết về anh chàng tên Jack vì tính keo kiệt và những cú lừa với quỷ nên khi chết, anh ta không được lên thiên đường cũng như xuống địa ngục, phải làm linh hồn lang thang với chiếc đèn bí ngô.
Lễ hội hóa trang:
Đây là phong tục phổ biến nhất vào Halloween, đặc biệt là đối với trẻ em. Trang phục thường gặp là những bộ quần áo hóa trang phù thủy, ma quỷ, các nhân vật hoạt hình nổi tiếng hoặc những sinh vật siêu nhiên khác.
Trick or Treat (Cho quà hoặc bị chơi khăm):
Truyền thuyết Halloween cho rằng các hồn ma sẽ tìm đến để lừa bịp, phá phách con người, chúng đi ăn xin và khi đến nhà nào thì chủ nhà phải cho chúng đồ ăn thức uống. Trẻ con rất thích trò chơi này, chúng sẽ mặc đồ hóa trang, đeo mặt nạ, đi đến và gõ cửa hết nhà này đến nhà khác và hỏi câu “trick or treat”. Câu nói này có ý nghĩa là “hãy nhanh cho chúng cháu quà, nếu không bọn cháu sẽ phá phách đấy!”. Để không gặp phiền phức, chủ nhà phải cho chúng bánh kẹo. Cứ đến mùa Halloween, những người lớn thường chuẩn bị rất nhiều quà bánh để cho bọn trẻ con.
Halloween tại Anh
Ở thành thị, người Anh sẽ diễu hành ở các đường phố, hát bài hát “Punkie night song”, và không quên mang những củ cải đường đã được chạm khắc theo. Ở vùng nông thôn, họ lại thường làm đèn lồng từ củ cải trắng rồi đặt ở ngay cổng ra vào để bảo vệ nhà của họ khỏi bị quấy rối bởi các linh hồn đi lang thang trong đêm Halloween. Họ cũng có tục ném đá, rau và các cục than nhỏ vào một đống lửa để xua đuổi các linh hồn lang thang. Còn nếu các cặp uyên ương trẻ, đang yêu nhau mà ném một cục than vào đống lửa, cục than phát nổ thì đó là dấu hiệu cho thấy họ sẽ có một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, luôn cãi vã.
Halloween tại Ireland
Ireland được cho là nơi bắt nguồn của lễ hội Halloween thời hiện đại. Được xem là đất nước của lễ hội Halloween và cách thức tổ chức của họ cũng giống như ở Mỹ. Ở những vùng nông thôn, người ta sẽ đốt lửa và quây quần các gia đình bên nhau. Trong trò “đớp táo”, táo sẽ được đưa treo lên khung cửa hoặc trên cây và người chơi sẽ cố gắng cắn cho bằng được những quả táo đó. Món ăn truyền thống trong lễ Halloween của người Ireland là món “barnbrack”, một loại bánh nướng trái cây. Trẻ em vẫn chơi trò “trick or treat” quen thuộc của chúng trong đêm Halloween. Người dân bỏ đồng xu, khuy áo, nhẫn vào bánh, cầu mong may mắn về tài vận, tình cảm vào năm tới.
Halloween tại Pháp
Halloween không phải là dịp lễ hội lớn tại Pháp. Đây chỉ đơn giản là một ngày nghỉ kiểu Mỹ trên đất Pháp và hầu như chẳng mấy người Pháp biết tới ngày lễ này cho đến khoảng năm 1996. Đồ hóa trang ở Pháp cũng thường là những trang phục rất đáng sợ – xác ướp, yêu tinh, phù thủy, ma cà rồng… chứ không phải là những công chú, hoàng tử hay nhân vật hoạt hình như ở Mỹ. Trò “trick or treat” ít khi xuất hiện, nếu có thì cũng chỉ thực hiện từ cửa hàng này sang cửa hàng kia.
Halloween tại Đức
Người Đức thường có phong tục ném dao ra đường vào đêm Halloween, với lí do họ sẽ ngăn chặn được sự đáng sợ khi các linh hồn trở về. Halloween ở Đức ngoài những chiếc đèn bằng bí ngô nhà nào cũng có thì lễ hội hoá trang làm là hoạt động thu hút sự tham gia của nhiều người nhất. Mọi người với những nhân vật truyền thống ca hát xung quanh những đống lửa lớn một cách vui vẻ suốt ngày đêm.
Halloween tại Nhật Bản
Lễ hội Obon
Không như các nước phương Tây, thích trang trí và chơi các trò chơi như “Trick or Treat”… Người Nhật đón chào lễ hội Obon (còn được gọi là “Matsuri” hoặc “Uarbon”): lễ hội này tương tự như Halloween ở chỗ nó dành cho các linh hồn của người đã khuất. Thức ăn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đèn lồng đỏ được treo khắp nơi. Người ta còn thắp nến trong các lồng đèn nhỏ và thả trôi trên các dòng sông. Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như biểu tưởng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố về với thế giới của họ. Lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng bảy hoặc tháng tám.
Halloween kawasaki
Khác với Obon, Halloween Kawasaki có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Halloween diễn ra ở Mỹ. Vào ngày cuối cùng của tháng 10, mọi người hóa trang theo phong cách ma quái và đi diễu hành khắp đường phố ở Kawasaki, vùng ngoại ô Tokyo.
Halloween tại Hàn Quốc
Một lễ hội tương tự như ngày lễ Halloween được tổ chức ở Hàn Quốc là lễ Chuseok. Đó là thời điểm người dân Hàn Quốc tạ ơn tổ tiên do đã phù hộ cho họ “ăn nên làm ra”. Họ sẽ tới thăm mộ người thân, mang theo gạo và hoa quả để tạ ơn người đã khuất.
Halloween tại Trung Quốc
Tại Trung Quốc hầu như mọi người không tổ chức Halloween vào tháng 10. Thay vào đó, người Hoa có lễ hội riêng cho mình, gọi là tháng “cô hồn”, tức rằm tháng Bảy (tương tự như ở Việt Nam). Người Hoa tin rằng trong ngày này, các linh hồn sẽ được trở lại mặt đất. Trong ngày này, người dân thắp hương, làm cơm cúng tưởng nhớ các thành viên đã khuất trong gia đình, còn trên đường phố hoặc trước cửa nhà, họ thường treo đèn lồng để “soi đường” cho các linh hồn đã khuất khi trở về mặt đất. Ở nhiều nơi vẫn giữ tục đốt vàng mã cho người âm.
Halloween tại Mexico – Lễ hội Dia de los muertos
Từ ngày 1-2/11, Mexico và nhiều nơi khác ở châu Mỹ Latinh tổ chức Dia de los Muertos (Ngày của người chết). Theo quan niệm, cổng thiên đường mở cửa lúc nửa đêm ngày 31/10, linh hồn trẻ em sẽ trở về đoàn tụ với gia đình trong 24 giờ. Vào ngày 2/11 linh hồn người trưởng thành sẽ từ thiên đường xuống để tham gia vào lễ hội. Bàn thờ trong mỗi nhà trang trí hoa quả, đậu phộng, gà tây, soda… và bánh mì “Pan de muerto” đặc trưng. Ngoài ra, các gia đình chuẩn bị kẹo, đồ chơi, thuốc lá hoặc rượu để tưởng niệm người đã khuất.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.