Trang 360doc của Trung Quốc trong một bài viết đã liệt kê rất nhiều loại rượu nổi tiếng thế giới, trong đó đáng chú ý có một loại rượu vô cùng đặc biệt, chỉ có tại Việt Nam.
Theo tác giả bài viết, rượu là một “công cụ tuyệt vời” giúp làm nóng bầu không khí và tăng cường sự gắn bó trong các mối quan hệ.
Trên thế giới có rất nhiều loại rượu nổi tiếng như rượu Mao Đài Trung Quốc, rượu sochu Hàn Quốc, rượu vodka Nga, rượu sake Nhật Bản, rượu sâm panh Pháp, rượu whisky Scotland, rượu sherry Tây Ban Nha…
Rượu là một “công cụ tuyệt vời” giúp làm nóng bầu không khí và tăng cường sự gắn bó trong các mối quan hệ.
Ngoài những loại rượu được lên men và chưng cất hoàn toàn bởi con người như vậy, tác giả bài viết cũng nhắc đến một số loại rượu sinh thái, được chế biến dựa vào những yếu tố tự nhiên.
Ví như rượu ủ trong ống tre. Phương pháp ủ rượu này xuất phát ở Trung Quốc, ban đầu từ tỉnh Chiết Giang hoặc Phúc Kiến, rồi lan dần sang các tỉnh khác như Quảng Tây, Tứ Xuyên…
Du khách thưởng thức rượu ủ trong ống tre. Ảnh: 360doc.com
Các cây tre non được chọn sẽ bị khoét một lỗ nhỏ trên thân, rồi rượu sẽ được bơm vào bên trong ống tre, sau đó bịt lỗ lại. Loại rượu được dùng để đưa vào trong ống tre là rượu cao lương hoặc rượu gạo. Do tre là thực vật có khả năng tự lành cao, các lỗ khoét sẽ tự bịt kín trong khoảng 10 ngày. Rượu sẽ được ủ hoàn toàn trong môi trường kín tự nhiên như vậy.
Tuy nhiên, cũng theo tác giả bài viết, ở Việt Nam có một loại rượu còn có tính sinh thái và tự nhiên hơn cả rượu ủ trong ống tre kể trên, không dùng rượu nhân tạo mà hoàn toàn do thiên nhiên ban tặng, được sinh ra từ cây.
Vậy loại rượu sinh ra từ cây này có gì đặc biệt?
Cây sinh ra rượu
Cây đoác (các tên gọi khác: báng, tà vạt, dừa núi…), danh pháp khoa học Arenga pinnata, là giống cây lâu năm thuộc họ Cau. Ở Việt Nam, cây đoác mọc nhiều ở chân núi ẩm, chân núi đá vôi, trong rừng thứ sinh… như trên dãy Trường Sơn.
Ở tuổi trưởng thành, cây có đường kính khoảng 40 – 50cm (gốc và ngọn tương đương nhau) và cao chừng 8 – 20m. Lá xẻ lông chim to trông như lá dừa, mặt dưới màu trắng, dài 6 – 12m và rộng khoảng 1,5m, với các lá chét mọc thành 1 – 6 hàng, dài 40 – 70cm và rộng 5cm.
Cuống và bẹ lá có nhiều sợi dài có thể bện thừng. Bông mo phân nhánh nhiều, cong. Hoa đực có 70 – 80 nhị, hoa cái có 3 lá đài còn lại trên quả. Cuống hoa chứa nhiều nước ngọt, có thể uống như rượu hoặc nấu thành đường.
Cây đoác ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Flickr
Hàng năm, đoác đơm bông kết trái từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, đây cũng chính là thời điểm bà con các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Rục, A Rem ở các tỉnh Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế lại vào rừng “săn” rượu đoác.
Để lấy được rượu phải tìm cây đoác có đường kính thân tương đương một vòng tay người ôm, có tuổi đời từ 3 đến 5 năm, cây càng to thì cho rượu càng nhiều.
Các công đoạn lấy rượu cũng rất đơn giản. Tìm được cây đoác phù hợp, người dân chỉ cần dùng dao thật sắc xén phía trên ngọn, cố gắng làm sao cho vết cắt thật ngọt để ngọn cây đoác không bị thối và cho nhiều rượu trong thời gian dài.
Chặt ngọn cây đoác để hứng rượu. Ảnh: Vietnamnet
Lúc cây dao vạt ngang qua ngọn cây cũng là lúc một thứ nước trắng đục tứa ra từ giữa lõi non. Khi chưa được ủ lên men, nước đoác có màu đùng đục như sữa, mùi nồng nồng, vị chua. Từ lâu, thứ nước uống kỳ lạ này được đồng bào nơi đây xem như là một thứ nước giải khát mang lại cảm giấc lâng lâng cho người uống.
Tương truyền rằng, ngày xưa có một đám thợ săn mải đuổi theo chim thú nên đã bị lạc trong rừng, đến khi hết đồ ăn mang theo, nước uống cũng cạn kiệt, thì họ bỗng phát hiện ra một dòng nước chảy ra từ thân cây nhìn giống như cây dừa. Khi uống vào, họ cảm thấy rất sảng khoái, hưng phấn như đang uống rượu. Sau khi sống sót trở về, họ đã nói với dân làng về loại rượu vô tình được phát hiện kia.
Nếu cây đoác lâu năm, không bị sâu, ngày đầu tiên có thể hứng được cả chục lít rượu. Mỗi cây đoác có thể lấy rượu liên tục trong vòng 2 tháng, nếu cây có buồng quả phải lấy được trong vòng 3 tháng, khoảng 80 – 100 lít, mới hết rượu. Sau đó, người dân địa phương cho cây “nghỉ dưỡng sức” khoảng 2 – 3 tháng mới khai thác tiếp. Lần sau muốn lấy rượu tiếp phải dùng dao hớt ngắn đi một đoạn để cây đoác cho ra rượu mới.
Để làm cho rượu đoác thêm phần đậm đà, người dân còn sử dụng vỏ cây chuồn trong rừng để lên men. Sau này, người dân địa phương đã mang hạt giống cây đoác, cây chuồn từ rừng về trồng trong vườn nhà để lấy rượu cho tiện.
Đối với đồng bào các dân tộc sinh sống trên dãy Trường Sơn, vào những dịp lễ tết, mừng nhà mới, cưới hỏi hoặc thu hoạch mùa màng, rượu đoác là thứ không thể thiếu. Vì thế, cùng với những món ẩm thực quen thuộc như cá suối, thịt nướng, cơm ống tre… thì rượu đoác – rượu sinh ra từ cây đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người dân nơi đây.
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.