Mua tiêu dùng trả góp – Không phải lúc nào cũng nên

Nhiều người ưu tiên dịch vụ mua sắm trả góp nhằm nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu, tận hưởng cuộc sống. Song, họ không nhận ra đang tự đặt mình vào cảnh túng quẫn trong tương lai.

Với nhiều bạn trẻ, trả góp là cách vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu xài; đồng thời hạn chế rơi vào cảnh rỗng ví. Dưới góc nhìn của họ, mua đứt được cho là phung phí, đánh mất khoản chi dự phòng cho lúc cấp bách.

Theo tôi, đây là quan điểm chưa mấy đúng đắn trong quản lý tài chính bởi không phải vật dụng, dịch vụ nào cũng nên mua góp, cũng như không phải mọi người đều có khả năng áp dụng hình thức chi tiêu này một cách an toàn.

Thế nào là mua tiêu dùng trả góp?

Mua tiêu dùng trả góp là phương thức mua hàng mà người mua không cần phải trả toàn bộ số tiền món hàng trong 1 lần. Thay vào đó, họ chỉ cần thanh toán 1 phần tiền của món hàng; phần còn lại bao gồm lãi suất sẽ được thanh toán dần theo kỳ hạn.

Với hình thức này, số tiền vay và tiền lãi sẽ được chia nhỏ để khách hàng dễ dàng trả vào mỗi kỳ hạn (6 tháng, 9 tháng, 12 tháng,…). Hiện nay, hình thức mua tiêu dùng trả góp cũng đơn giản nhanh chóng. Bạn không cần phải thế chấp tài sản. Vì vậy hình thức này đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Lợi và hại của việc mua trả góp

Ưu điểm

Để trở thành phương thức mua hàng phổ biến và được khách hàng lựa chọn nhiều khi mua sắm, mua tiêu dùng trả góp tất nhiên phải đem lại rất nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Mua tiêu dùng trả góp - Không phải lúc nào cũng nên

Lợi ích đầu tiên mà mua trả góp mang lại là giúp bạn sở hữu được sản phẩm mình muốn; kể cả khi chưa có đủ khả năng về tài chính. Mua trả góp đáp ứng được tiêu chí trả tiền ít nhưng vẫn có được món đồ ưng ý.

Hơn nữa, bạn cũng không cần phải thế chấp tài sản nhưng vẫn có thể mua trả góp. Để được phê duyệt mua sắm trả góp, người dùng cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết. Cụ thể như chứng minh nhân dân, hộ khẩu, bằng lái xe, hóa đơn tiền điện/nước… Đây có thể coi là hình thức mua được khá nhiều người lựa chọn vì có thủ tục đơn giản cùng thời gian xét duyệt nhanh. Điều này đem lại cơ hội mua tiêu dùng cho những người có thu nhập trung bình và thấp.

Một lợi ích khác thu hút khách hàng đến với hình thức mua sắm linh hoạt này là ngày càng có nhiều mặt hàng được các doanh nghiệp áp dụng. Không chỉ những hàng hóa điện máy có giá trị lớn mà các dịch vụ nhỏ lẻ như mua quần áo, làm đẹp,… cũng có thể mua trả góp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sử dụng hình thức này như một chiêu thức khuyến mãi hiệu quả. Tiêu dùng trả góp sẽ góp phần làm tăng lượng hàng hóa tiêu thụ và thúc đẩy tiêu dùng. Nhờ vậy, sản lượng hàng hóa tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhược điểm

Ngoài những ưu điểm kể trên thì mua tiêu dùng cũng có một số nhược điểm nhất định. Dưới đây là những hạn chế của việc mua trả góp bạn có thể gặp phải:

Mua tiêu dùng trả góp - Không phải lúc nào cũng nên

–  Giá tiền: các món hàng được hỗ trợ hình thức mua trả góp thường có giá tiền cao hơn so với mức giá mua trọn gói thông thường. Bời vì tổng giá trị tiền cần thanh toán đã bao gồm tiền gốc và lãi suất.

–  Lãi suất: Vì được mua trả góp không thế chấp nên mức lãi suất cũng cao hơn nhằm đảm bảo an toàn cho ngân hàng cho vay. Đặc biệt các sản phẩm có giá trị lớn như nhà cửa, ô tô, mức lãi suất có thể lên đến 50 – 70% giá trị gốc.

–  Phí phạt: mua sắm trả góp luôn đi kèm với các kỳ hạn trả góp. Chính vì vậy người tiêu dùng cần tuân thủ đúng thời gian trả góp đã ký trong hợp đồng. Nếu đóng tiền trễ, người dùng có thể phải chịu phí phạt theo giá trị sản phẩm.

– Nhắc nợ: đây được xem là một trong những điều làm phiền khách hàng khi thực hiện mua trả góp. Hàng tháng đến ngày đóng tiền trả góp, nhân viên tài chính sẽ gọi điện đến nhắc bạn; thậm chí là nhắc thường xuyên cho đến khi bạn thanh toán.

Khi nào nên mua trả góp

Trả góp cũng có tính chất giống với việc sử dụng thẻ tín dụng, đều là kiểu tiêu xài cho phép bạn tận hưởng sản phẩm, dịch vụ trước và trả tiền sau. Về cơ bản, áp dụng trả góp đồng nghĩa với việc bạn đang gánh một khoản nợ trong 3, 6 tháng hoặc tính theo năm.

Trước khi quyết định sử dụng tiền, bạn nên phân loại các khoản chi theo mục đích. Theo nguyên tắc của tôi, mọi loại chi tiêu đều quy về 2 kiểu:

Chi phí cần: Bao gồm các khoản chi trả bắt buộc trong đời sống. Ví dụ: tiền điện, nước, xăng, xe, các loại phí liên quan nhà ở…

Chi phí muốn: Những thứ phục vụ giải trí, linh hoạt thay đổi tùy lối sống, sở thích. Chẳng hạn: xem phim, ăn uống ở nhà hàng, du lịch…

Đây là cơ sở quan trọng, giúp mỗi người có quyết định đúng đắn trong quản lý túi tiền. Bạn chỉ nên mua trả góp nếu đối tượng cần chi trả thuộc nhóm 1. Đó là cho các nhu cầu không thể thiếu cho cuộc sống.

Nếu không xác định rạch ròi 2 nội dung trên, cá nhân dễ chìm trong vòng lặp vay nợ, tiêu pha những món nằm ngoài danh mục thiết yếu. Chẳng hạn, họ sa vào sắm sửa điện thoại, tivi, xe cộ đời mới, đắt đỏ, trong khi đã sở hữu sản phẩm đáp ứng nhu cầu sử dụng thông thường.

Song, các nội dung thuộc nhóm 2 vẫn có thể được cân nhắc, với điều kiện chúng tạo ra dòng tiền cho bạn trong tương lai.

Dưới đây là một ví dụ:

Bạn muốn sở hữu máy chụp hình mới trị giá 30 triệu đồng để phục vụ sở thích nhiếp ảnh. Đặc biệt, bạn biết rằng sở thích này có thể dẫn đến việc tạo thêm thu nhập riêng bên ngoài lương cứng. Nhằm tận dụng tối đa thiết bị, bạn quyết định cáng đáng thêm công việc part-time; liên quan đến dịch vụ hình ảnh vào cuối tuần.

Đồng thời, bạn hiểu rõ khả năng chi trả của bản thân trong 6 tháng đến một năm, tùy vào chương trình của đơn vị cung cấp. Lúc này, bạn có thể cân nhắc mua máy ảnh bằng hình thức trả góp.

mua tra gop anh 1
Bạn nên dành thời gian để xác định các khoản chi cần thiết trong đời sống. Ảnh: Liza Summer/Pexels.

Mua trả góp dành cho đối tượng nào

Thực tế, ai cũng có quyền mua trả góp, miễn họ có nhu cầu và đảm bảo đóng phí theo quy định của bên cung cấp.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một chuyên gia, tôi cho rằng hình thức chi tiêu này chỉ phù hợp với người biết đo lường khả năng chi tiêu cá nhân.

Hãy luôn kiểm tra mình đã tiết kiệm tối thiểu 10%/tháng hay chưa. Nếu chỉ dành dụm được khoảng 5%, bạn đã sống quá khả năng tài chính của mình. Lúc này, những món đồ công nghệ mơ ước bắt buộc phải vào danh sách chờ.

Duy trì kỷ luật trong dành dụm sẽ giúp việc trả góp của bạn diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng.

Ngược lại, bạn dễ dàng rơi vào cảnh “vung tay quá trán”; hoặc mua được rồi vẫn không cảm thấy đủ, phát sinh nợ xấu. Bạn sẽ dễ rơi vào danh sách đen của các ngân hàng, công ty tài chính. Mặt khác, cuộc sống của chúng ta cũng khó thoải mái, bình yên nếu cứ phải lo lắng về những khoản tiền mãi chưa trả hết.

Đừng bao giờ nợ trả góp

Theo tôi, không có gì xấu khi các bạn trẻ muốn sống YOLO (tận hưởng cuộc đời vì chỉ sống một lần).

Tuy nhiên, nếu bạn không tự trang bị kiến thức quản lý tài chính cá nhân; bảo đảm khả năng tài chính của mình, thì cơ hội tận hưởng thú vui có thể không bao giờ đến.

Tôi mong người trẻ nên bắt đầu việc tiết kiệm càng sớm càng tốt. Bạn sẽ có lợi thế hơn nhiều so với những ai “nhập cuộc” muộn, hoặc chưa tiết kiệm bao giờ.

Khi bạn bắt đầu tiết kiệm và có sự kỷ luật đáng kể, các thói quen tốt dần hình thành. Nhờ đó, việc quản lý tài chính dần nhẹ nhàng hơn. Những lo lắng về tiền bạc cũng được giải quyết, thay vì mãi là nỗi ám ảnh.

Ngoài ra, hãy nâng tầm bản thân, quan tâm nhiều hơn đến 5 nội dung sau: thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, đầu tư và bảo toàn vốn. Đây là các yếu tố có quan hệ mật thiết, cần được quan tâm cùng lúc nếu cá nhân muốn đảm bảo tiêu dùng thông minh.

Cuối cùng, lời khuyên được nhắc đi nhắc lại trong quản lý tài chính cá nhân vẫn là đừng bao giờ nợ thẻ tín dụng hay nợ trả góp. Hãy cân nhắc khả năng; đảm bảo chi trả đúng hạn nhằm đảm bảo chất lượng cuộc sống của chính mình.

Theo Mina Chung