Táo bón ở trẻ: Những điều bố mẹ chưa biết

Trong bữa cơm hàng ngày, hẳn ai trong chúng ta cũng đôi lần được (hoặc bị) nhắc nhở “Ăn nhiều rau vào cho dễ đi nặng!” hoặc “Lười ăn rau thế là bị táo bón đấy!” Vậy thực chất táo bón ở trẻ là bệnh gì? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục ra sao? Hãy cùng tìm hiểu ngay nhé!

3c23b6 45b5173cf50446b4b97a0276cc14c23c~mv2

1. Khái niệm táo bón

Theo định nghĩa của Bộ y tế Hoa Kỳ (NIK) (1), táo bón là khái niệm dùng để mô tả các triệu chứng liên quan đến hiện tượng khó đi ngoài, bao gồm:

  • Đi ngoài dưới 3 lần trong 1 tuần.
  • Phân cứng hoặc vón cục.
  • Cần phải gắng sức rặn, có cảm giác đau rát khó chịu.
  • Căng thẳng và cảm giác đi ngoài không hết hoặc bị tắc lại.

Khi bé có một trong những biểu hiện trên, chứng tỏ bé đang bị táo bón. Bố mẹ cần lưu ý kiểm tra chế độ sinh hoạt của con để kịp thời điều chỉnh.

2. Nguyên nhân dẫn đến táo bón

Nước chiếm khoảng 3/4 thành phần phân, phần còn lại bao gồm chất rắn, chất xơ không tiêu hóa được, vi khuẩn đường ruột và chất béo trong chế độ ăn uống. Do vậy khi phân bị mất nước một phần hoặc toàn phần dẫn tới phân vón cục, khô cứng, khuôn phân to gây khó khăn khi tống ra ngoài. Đây chính là biểu hiện của táo bón (2). Vậy vì sao phân lại bị mất nước? Để hiểu đúng và hiểu đủ, chúng ta sẽ cùng phân tích nguyên nhân dưới 2 góc nhìn: Dinh dưỡng và tâm lý – hành vi nhé.

2.1 Phân tích nguyên nhân theo dinh dưỡng

Thứ nhất, cơ thể trẻ thiếu nước.

Nước là yếu tố cần thiết cho mọi hoạt động của cơ thể, đặc biệt là quá trình tiêu hóa. Nước giúp thức ăn được làm mềm, giúp giảm áp lực lên dạ dày và đường ruột.

Những trẻ ti mẹ hoàn toàn gần như không xảy ra hiện tượng bị táo bón. Tuy nhiên, những trẻ dùng sữa công thức hoặc đã bắt đầu ăn dặm sẽ dễ bị táo hơn. Nguyên nhân thường do sữa được pha quá đặc, đồ ăn thô sệt, khô mà trẻ lại không được cho uống nước đầy đủ (3). Khi đó, khi phân di chuyển đến ruột già, tại đây, do cơ thể thiếu nước, ruột già sẽ tái hấp thu nước ngược trở lại vào cơ thể khiến phân bị mất nước, khô, khó đóng khuôn mềm nên dễ bị vón cục.

Thứ hai, trẻ thiếu chất xơ.

Nguyên nhân này thường xảy ra với những trẻ đã ăn dặm hoặc trẻ lớn hẳn, đã ăn cơm bình thường. Do chế độ dinh dưỡng hàng ngày thiếu rau xanh hoặc trẻ lười ăn rau củ, hoa quả khiến lượng chất xơ (cả chất xơ hòa tan và chất xơ không hòa tan) không đủ nhu cầu của cơ thể. Chất xơ đóng vai trò bao bọc thức ăn thành từng khối trong quá trình tiêu hóa. Chúng giúp giữ nước, làm tăng trọng lượng và kích thước của phân; khiến phân mềm hơn, dễ vào khuôn và dễ tống ra ngoài cơ thể (4). Do vậy khi thiếu chất xơ, phân sẽ dễ bị khô, vón cục và trẻ bị táo bón.

2.2 Phân tích nguyên nhân táo bón ở trẻ theo biện pháp xử lý

Chế độ ăn uống

Thứ nhất, chế độ ăn uống của trẻ không cân bằng. Như đã giải thích bên trên, chế độ ăn uống mất cân đối, thiếu nước, thiếu chất xơ, quá nhiều đạm ảnh hưởng đến quá trình hình thành phân và tống phân ra ngoài cơ thể.

Tâm lý

Thứ hai là vấn đề tâm lý. Có thể do trẻ ham chơi, nhịn đi ngoài lâu dần hình thành thói quen và dẫn tới táo bón. Một số trẻ bị táo bón sau khi bắt đầu đến lớp. Nguyên nhân có thể do trẻ sợ bẩn, lười rặn không dám đi ở trường nên cố nhịn.

Cũng có trường hợp trẻ mới bị táo nhẹ nên đi ngoài khó và đau nhưng bố mẹ không nhận ra để kịp thời xử lý. Từ đó về lâu dài, trẻ sợ đi ngoài và có tâm lý trốn tránh, cố nhịn khiến tình trạng táo bón càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Sử dụng thuốc

Thứ ba là nguyên nhân do dùng thuốc. Trẻ đang trong hoặc vừa kết thúc liệu trình điều trị một bệnh nào đó mà có sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc có codein, viên sắt. Việc sử dụng những loại thuốc này cũng ảnh hưởng tới sự cân bằng trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ, khiến trẻ dễ bị táo bón.

Như đã biết, hệ tiêu hóa có chứa nhiều vi sinh vật. Hầu hết chúng đều là lợi khuẩn và có khả năng hỗ trợ đường ruột chuyển hóa thức ăn.

Tuy nhiên khi dùng kháng sinh, hoạt chất trong thuốc có thể vô tình tiêu diệt những lợi khuẩn này. Trong một số trường hợp, kháng sinh còn gây gia tăng Clostridium – một vi khuẩn có hại sống trong đường ruột.

Khi lượng lợi khuẩn giảm đi, hệ tiêu hóa sẽ mất cân bằng. Điều này sẽ làm cho dễ gặp phải những triệu chứng không mong muốn, trong đó có táo bón.

Dinh dưỡng

Trường hợp thứ tư là trẻ có vấn đề về dinh dưỡng. Trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu một số dưỡng chất cần thiết cũng dẫn tới những bệnh về tiêu hóa, trong đó có táo bón.

Bệnh lý bẩm sinh

Và cuối cùng, một số ít trẻ gặp những vấn đề bệnh lý bẩm sinh về tiêu hóa như phình đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.

Việc phân nhỏ nguyên nhân bị táo bón như thế này giúp bố mẹ và bác sĩ có thể tập trung xử lý đúng cách, kịp thời từ nguyên nhân trực tiếp dẫn tới táo bón ở trẻ. Khiến quá trình điều trị hiệu quả và nhanh chóng hơn. Giảm thiểu tối đa cảm giác khó chịu và những hệ lụy không đáng có từ táo bón.

3c23b6 61e3516eddd84e0893cc3a8537329804~mv2

3. Biện pháp xử lý táo bón ở trẻ

Chế độ ăn

Đối với trẻ đang ti mẹ hoàn toàn, cần tăng cường các cữ ăn của con trong ngày. Nên cho con ăn đầy đủ sữa đầu, sữa sau và sữa cuối.

Với bé uống sữa ngoài, bố mẹ nên chọn cho con các loại sữa không gây táo bón và có bổ sung thêm chất xơ.

Đối với các bé đã ăn dặm, nên cho con uống nhiều nước; tăng cường ăn rau xanh và hoa quả chín.

Để cải thiện tình trạng táo bón cho trẻ, các mẹ nên bổ sung đủ lượng chất xơ vào khẩu phần ăn của trẻ. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ như:

  • Rau khoai lang, mồng tơi, cải xanh, súp lơ, rau bina, rau diếp cá, rau má,…
  • Hoa quả như mận khô, các cây họ cam, bưởi, đu đủ, chuối tiêu, xoài, lê, táo, kiwi,… cung cấp đủ lượng chất xơ cho bé.
  • Các loại củ như: khoai lang, củ cải đường,… cũng chứa nguồn chất xơ tuyệt vời cho cơ thể. Khoai lang được sử dụng là bài thuốc đơn giản chữa táo bón. Bằng các món như khoai lang luộc, nấu, hầm,… khoai lang sẽ là lựa chọn ngon miệng cho khẩu phần ăn của bé.

Sử dụng rau củ và trái cây để cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thay đổi thức ăn mỗi ngày cho bé đòi hỏi mẹ tính toán kỹ. Vì ăn quá nhiều chất xơ sẽ khiến tình trạng táo bón tồi tệ hơn.

Song song với chế độ nhiều chất xơ, các mẹ nên lưu ý hạn chế cho trẻ ăn nhiều đồ chiên rán, đồ uống có gas, bánh kẹo ngọt gây khó khăn cho quá trình đại tiện của bé. Đồ chiên rán, đồ ăn sẵn, đồ đóng hộp là một trong những kẻ thù của táo bón, khiến tình trạng táo bón ở trẻ nghiêm trọng hơn.

Vấn đề tâm lý

Trường hợp trẻ gặp những vấn đề tâm lý như sợ hãi, lo lắng dẫn đến trốn tránh việc đi ngoài. Bố mẹ nên quan sát, ngồi xuống tâm sự, trò chuyện cùng con để hiểu được cốt lõi vấn đề và điều chỉnh kịp thời.

Nếu trẻ bị táo bón do ham chơi mà nhịn đi ngoài, hãy thiết lập cho con một vài khung giờ cố định, nhắc nhở con khi con quên. Khi đã thành nếp sinh hoạt, con sẽ có thói quen đi vệ sinh đúng giờ và đều đặn.

Nên thay đổi hành vi của trẻ để việc đi ngoài không còn là nỗi lo lắng:

  • Theo dõi và hướng dẫn trẻ các tư thế đi ngoài đúng. Tốt nhất nên điều chỉnh cho đầu gối cao hơn hông hoặc cho bé ngồi xổm.
  • Tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đều đặn 1 lần/ngày vào mỗi buổi sáng hoặc buổi tối.

Xử lý táo bón do dùng thuốc

Đối với các bé bị táo bón do sử dụng một số loại thuốc trong quá trình điều trị bệnh, bố mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia, bác sĩ để bổ sung một số loại thuốc hỗ trợ quá trình tiêu hóa của trẻ mà không đối kháng với các loại thuốc đang dùng.

Xử lý táo bón do vấn đề về dinh dưỡng

Với các bé gặp vấn đề về dinh dưỡng, đầu tiên cần làm đó là bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt chú ý đến vitamin và khoáng chất vì chúng ảnh hưởng trực tiếp tới nhu động ruột, tới các enzyme tiêu hóa, chuyển hóa trong cơ thể. Việc bổ sung đầy đủ các nhóm chất giúp hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn; giúp khắc phục và hạn chế các vấn đề về tiêu hóa như táo bón, đi ngoài… (5)

Xử lý táo bón do bệnh bẩm sinh

Trường hợp các bé bị bệnh bẩm sinh cần được sự chẩn đoán từ các bác sĩ có chuyên môn để đưa ra được phác đồ điều trị hợp lý. Đôi khi sẽ cần sự can thiệp từ các tiểu phẫu, máy móc hỗ trợ đặc biệt thì mới có thể giải quyết được triệt để vấn đề.

Đến đây, bố mẹ có thể thấy rằng hiện tượng táo bón của trẻ đến từ rất nhiều nguyên nhân; không phải chỉ dừng ở việc không ăn rau (thiếu chất xơ). Do vậy, để giải quyết được triệt để vấn đề bố mẹ cần dành thời gian quan sát, nói chuyện cùng con, hoặc chờ sự can thiệp của chuyên gia, bác sĩ nếu cần thiết nhé.

Phòng ngừa bệnh táo bón ở trẻ em

Sau đây là một số biện pháp góp phần phòng ngừa hiệu quả bệnh lý táo bón ở trẻ, gồm:

  • Cần theo dõi sát sao việc đi vệ sinh mỗi ngày của trẻ; nhắc trẻ đi vệ sinh đều đặn, không nên nín nhịn.
  • Cho bé ăn nhiều rau củ quả bổ sung chất xơ, uống nhiều nước.
  • Khuyến khích bé tham gia các hoạt động tập luyện thể dục thể thao; tích cực vận động, không nên ngồi lì trong nhà.
  • Khi thấy những triệu chứng bất thường ở trẻ, bố mẹ không nên chủ quan tự điều trị. Hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, tránh nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm.