Theo báo cáo vào tháng 12/2019 của CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ), cứ mỗi 6 trẻ em thì có 1 trẻ (chiếm khoảng 17%) mắc một trong những vấn đề rối loạn phát triển – Developmental Disabilities (1).
Table of Contents
Từ 0-5 tuổi là thời điểm quan trọng để phát hiện các rối loạn ở trẻ
Các rối loạn ở trẻ
Trong Phát triển Nhi khoa, các vấn đề rối loạn phát triển phổ biến thường gặp là:
▪️ Chậm phát triển ngôn ngữ (Speech Delay)
▪️ Rối loạn Phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder)
▪️ Rối loạn Tăng động – Giảm chú ý (ADHD – Attention Deficit Hyperactivity Díorder)
▪️ Rối loạn khả năng học hỏi (Learning Disorder) – Khuyết tật Suy giảm chức năng trí tuệ (intellectual disability)
▪️ Rối loạn Cảm giác (Sensory Disorder)
Trung bình cứ mỗi 54-55 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán có mắc phổ tự kỷ (1,9%) (2). Có thể hình dung tỷ lệ này tương ứng với một lớp học thông thường thường; trong sỉ số 55 học sinh thì có 1 học sinh tự kỷ. Ngoài ra, cứ khoảng 11 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động giảm chú ý ADHD (chiếm khoảng 9,4%) (3).
Với những con số này, phụ huynh làm sao để đánh giá và khẳng định được rằng: “Con tôi đang phát triển tốt/phát triển đủ chuẩn”? Những yếu tố như “chiều cao, cân nặng, vòng đầu” chỉ là 3 trong số các yếu tố đánh giá một phần của phát triển thể chất mà thôi.
Những kỹ năng cần phát triển trong 5 năm đầu đời
Mỗi trẻ em là một cá thể độc lập và có một tốc độ phát triển riêng biệt. Tuy nhiên, sự phát triển toàn diện các kỹ năng của trẻ chắc chắn sẽ đi theo một xu hướng có thể đoán trước được – gọi là Mốc Phát Triển (Developmental Milestones). Trong 5 năm đầu đời, trẻ cần phải phát triển mạnh mẽ trong cả 4 mảng kỹ năng:
* Nhận thức – Giải quyết vấn đề.
* Thể chất – Vận động.
* Ngôn ngữ – Giao tiếp.
* Cảm xúc – Xã hội.
Viện Nhi khoa Hoa kỳ (AAP – American Academy of Peadiatrics) nhấn mạnh: Tất cả trẻ em cần được kiểm tra về phát triển toàn diện trong 5 năm đầu đời, tối thiểu 3 lần trước sinh nhật 3 tuổi. Đặc biệt, con cần được đánh giá nguy cơ Phổ tự kỷ vào giai đoạn 18 tháng & 24 tháng tuổi.
Trong 3 năm đầu đời, bộ não của trẻ vô cùng “dẻo dai” (brain elasticity). Nói một cách dễ hiểu là dễ “uốn nắn” và điều chỉnh. Nếu nhận ra sự phát triển của con có phần chậm trễ, hãy lưu tâm và quan sát con sát sao. Bạn đừng quá chủ quan nghe theo người ta nói: “Không sao đâu, giờ chưa biết đến 3 tuổi sẽ tự khắc biết”.
Nếu chẳng may con là một em bé có nhu cầu đặc biệt, việc bố mẹ theo dõi, phát hiện và cho con được can thiệp trong 3 năm đầu đời càng sớm càng tốt, thì các kỹ năng của con sẽ càng được củng cố và sớm bắt kịp các bạn đồng trang lứa.
Các mốc phát triển mà phụ huynh cần lưu ý
Sau đây là các mốc phát triển giúp bạn nhận ra bé của mình có thuộc nhóm trẻ chậm phát triển hay yếu kỹ năng không?
Mốc phát triển | Thể chất & Vận động | Nhận thức & Giải quyết vấn đề | Ngôn ngữ & Giao tiếp | Cảm xúc & Xã hội |
2 tháng tuổi | – Có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu đẩy người lên khi nằm sấp. – Bắt đầu vận động tay và chân uyển chuyển hơn. | – Để ý nhận mặt người thân thường tiếp xúc. – Bắt đầu dõi theo các vật và nhận ra người ở đằng xa. – Bắt đầu biết chán (khóc la, phản ứng) nếu hoạt động không thay đổi. | – Phát ra âm thanh ú ớ ê a… – Ngoái đầu về hướng tiếng động. | – Bắt đầu cười với mọi người. – Có thể nhanh chóng tự trấn tĩnh lại (có thể đưa tay lên miệng và mút tay). – Cố gắng nhìn ngắm cha mẹ. |
4 tháng tuổi | – Giữ chắc đầu, không cần đỡ. – Biết dẫm/đạp khi bàn chân tiếp xúc với bề mặt cứng. – Có thể lật từ nằm sấp sang nằm ngửa. – Có khả năng nắm đồ chơi, lắc và đu đưa đồ chơi lủng lẳng.- Đưa tay lên miệng. – Khi nằm sấp, đẩy người lên bằng khuỷu tay. | – Có thể cho cha mẹ biết bé đang vui vẻ hay buồn chán. – Phản ứng trước cử chỉ âu yếm. – Với lấy đồ chơi bằng một tay. – Phối hợp được tay và mắt, như nhìn thấy đồ chơi là với tay để lấy. – Mắt nhìn theo đồ vật di chuyển. – Nhìn sát vào mặt. – Nhận ra người quen và đồ vật ở đằng xa. | - Bắt đầu nói chuyện ê a kèm theo diễn cảm và bắt chước các âm thanh mà bé nghe được. – Khóc theo những cách khác nhau để thể hiện bé đói, đau, hoặc mệt. | - Tự nhiên cười, đặc biệt là cười với mọi người. – Thích chơi với mọi người và có thể khóc khi hết chơi. – Bắt chước vài cử động và nét mặt, cũng như mỉm cười hoặc cau mày. |
6 tháng tuổi | – Lật theo cả hai hướng (trước ra sau, sau ra trước). – Bắt đầu ngồi không cần đỡ. – Khi đứng, chịu được sức nặng trên chân và có thể nhún lên nhún xuống. – Tự lắc lư người tới lui, đôi khi bò trườn về phía sau trước khi biết bò tiến về phía trước. | – Nhìn ngắm đồ vật xung quanh.- Đưa đồ vật lên miệng.- Bắt đầu chuyển đồ vật từ tay này sang tay kia. – Tỏ ra tò mò về đồ vật và cố gắng lấy đồ vật quá xa không với tới được. | - Phản ứng với âm thanh bằng cách tạo ra tiếng động. – Nói dính liền và khá rõ các nguyên âm (“a”, “e”, “ô”).- Biết hưởng ứng khi nghe tên mình. – Tạo tiếng động để thể hiện sự vui sướng và tức giận. – Bắt đầu tập nói các phụ âm (bập bẹ với “m,” “b”). | – Nhận biết người quen và bắt đầu biết lạ. – Thích chơi với người khác, nhất là với cha mẹ. – Phản ứng trước cảm xúc của người khác và thường có vẻ vui thích. – Thích nhìn mình trong gương. |
9 tháng tuổi | – Đứng bằng cách bám vào đồ vật. – Có thể tự mình ngồi xuống. – Ngồi vững mà không cần hỗ trợ. – Vịn để đứng lên. – Bò trườn. | – Nhìn khi đồ vật rơi xuống. – Tìm kiếm đồ mà trẻ thấy bố mẹ giấu đi. – Chơi trò chơi ú oà. – Đưa đồ vật vào miệng. – Di chuyển đồ vật một cách uyển chuyển từ tay này qua tay kia. – Nhặt đồ vật nhỏ như miếng bánh bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ. | – Hiểu ý nghĩa của từ “không”. – Tạo nhiều tiếng động khác nhau cũng như “mamamama” và “bababababa”. – Bắt chước âm thanh và điệu bộ người khác. – Sử dụng ngón tay để chỉ vào đồ vật. | – Có thể sợ người lạ. – Có thể rất “đeo bám” người lớn thân quen. – Có đồ chơi ưa thích. |
1 tuổi | – Ngồi xuống không cần giúp đỡ. – Vịn vào để đứng, bám vào đồ đạc để đi (“đi lần mò”). – Có thể đi vài bước không cần bám. – Có thể tự đứng. | - Khám phá đồ vật theo các cách khác, như rung lắc, đập mạnh, quăng ném.. – Tìm đồ vật bị giấu dễ dàng. – Nhìn đúng vào hình hoặc đồ vật khi được gọi tên. – Bắt chước điệu bộ. – Bắt đầu sử dụng đồ vật đúng cách (uống bằng ly, chải tóc bằng lược, ốp điện thoại vào tai…). – Đập mạnh hai đồ vật vào nhau. – Để đồ vật vào hộp, lấy đồ vật ra khỏi hộp. – Đẩy đồ vật đi không cần giúp đỡ. – Gõ ngón tay trỏ. – Làm theo hướng dẫn đơn giản như “nhặt đồ chơi nào”. | – Đáp ứng các yêu cầu bằng lời đơn giản. – Sử dụng các điệu bộ đơn giản, như lắc đầu “không” hoặc vẫy tay “chào tạm biệt”. – Làm tiếng động và thay đổi âm giọng (âm thanh giống lời nói hơn trước). – Nói “mama” và “dada” và các lời cảm thán như “uh-oh”. – Cố gắng nói theo các từ mà người lớn nói. | – Nhút nhát và lo lắng trước người lạ – Khóc khi mẹ hoặc bố bỏ đi. – Có đồ vật ưa thích. – Có người ưa thích. – Tỏ ra sợ hãi trong một số tình huống. – Đưa bố mẹ một cuốn sách khi trẻ muốn nghe một câu chuyện. – Lặp lại tiếng động hoặc hành động để gây sự chú ý. – Đưa tay hoặc chân ra khi được giúp mặc quần áo. – Chơi các trò chơi như “ú oà” và “vỗ đập tay”. |
1,5 tuổi | – Tự đi. – Có thể đi lên bậc thang, biết chạy. – Kéo đồ chơi trong khi đi. – Có thể tự cởi quần áo. – Uống nước bằng cốc. – Ăn bằng thìa. | – Biết các đồ vật thông thường dùng để làm gì, ví dụ như điện thoại, bàn chải, muỗng đĩa… – Chỉ trỏ để gây chú ý với người khác. – Tỏ ra thích thú với búp bê hoặc thú nhồi bông bằng cách giả bộ cho chúng ăn uống. – Biết chỉ đúng một bộ phận cơ thể. – Tự vẽ nguệch ngoạc trên giấy. – Có thể làm theo mệnh lệnh 1 bước mà không cần minh họa, chẳng hạn biết ngồi khi bố mẹ nói “ngồi xuống”. | – Nói vài từ đơn âm. – Nói và lắc đầu “không”. – Chỉ cho người nào đó biết thứ mà trẻ mong muốn. | – Thích đưa đồ vật cho người khác khi chơi. – Có thể nổi cơn ăn vạ. – Có thể sợ người lạ. – Tỏ ra có tình cảm với người thân quen. – Chơi những trò tưởng tượng, như cho búp bê ăn. – Có thể bám vào người chăm sóc trong các tình huống lạ. – Chỉ cho người khác xem cái gì thú vị. – Khám phá một mình nhưng cần cha mẹ ở gần. |
2 tuổi | – Đứng nhón chân. – Đá một quả bóng. – Bắt đầu chạy. – Leo lên trèo xuống từ đồ đạc trong nhà không cần giúp đỡ. – Lên xuống lầu không cần vịn. – Ném quả bóng với tay cao hơn vai. – Vẽ hoặc bắt chước vẽ các đường thẳng và đường tròn. | – Kiếm được đồ vật ngay cả khi bị giấu dưới hai hoặc ba vỏ bọc. – Bắt đầu phân loại hình dạng và màu sắc.- Bổ sung các câu và thơ vần trong các sách quen thuộc. – Chơi trò chơi giả vờ/tưởng tượng. – Xây tháp với 4 khối hoặc nhiều hơn. – Có thể sử dụng một bàn tay nhiều hơn bàn tay kia. – Nghe theo lời chỉ dẫn hai bước như “Nhặt giày lên và đem vào phòng cất đồ”. – Kêu tên các vật trong một cuốn sách như con mèo, con chim hoặc con chó. | – Chỉ vào đồ vật hoặc hình ảnh khi chúng được gọi tên. – Nhận biết tên người quen và bộ phận cơ thể. – Nói những câu trong khoảng 2 tới 4 từ. – Nghe theo lời chỉ dẫn dễ hiểu. – Lặp lại lời nói nghe lỏm trong cuộc nói chuyện – Chỉ vào đồ vật trong một cuốn sách. | – Bắt chước người khác, nhất là người lớn và các đứa trẻ lớn tuổi hơn. – Phấn chấn khi có mặt các đứa trẻ khác. – Tỏ ra càng ngày càng độc lập.- Thể hiện sự bướng bỉnh (làm những gì người khác bảo không được làm). – Bắt đầu cùng chơi với các đứa trẻ khác, cũng như tham gia vào các trò chơi đuổi bắt. |
3 tuổi | – Leo trèo tốt. – Chạy dễ dàng. – Đạp xích lô (xe đạp 3 bánh). – Đi lên và đi xuống bậc thang, một chân trên mỗi bậc. | – Có thể điều khiển đồ chơi bằng nút bấm, cần điều khiển, và bộ phận di chuyển. – Chơi trò chơi “nhập vai” với búp bê, thú nuôi và người thân. – Chơi ghép hình với 3 hoặc 4 miếng. – Bắt chước vẽ hình tròn bằng bút chì hoặc phấn vẽ màu. – Lật trang sách một trang mỗi lần. – Xây tháp với nhiều hơn 6 khối. – Mở và đóng nắp chai hoặc xoay tay nắm cửa. | - Nghe theo lời chỉ dẫn với 2 hoặc 3 bước – Có thể gọi tên hầu hết các đồ vật quen thuộc – Hiểu các lời nói như “ở trong”, “ở trên” và “ở dưới”. – Gọi tên một người bạn. – Nói tên, tuổi và giới tính, – Nói các từ như “tôi,” “tao,” “chúng tôi,” và “các người” và vài dạng số nhiều (nhiều xe, chó, mèo). – Nói đủ tốt để những người lạ có thể hiểu được phần lớn nội dung. – Tiếp chuyện được với 2 tới 3 câu. | – Bắt chước người lớn và bạn bè. – Thể hiện tình cảm với bạn. – Biết chơi theo thứ tự/lượt chơi. – Tỏ ra quan tâm tới một bạn đang khóc. – Hiểu ý niệm “của tôi” và “của người khác”. – Thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc. – Phân biệt dễ dàng mẹ và cha. – Có thể không thích các thay đổi lớn trong thói quen hằng ngày. – Tự mặc và thay quần áo. |
5 tuổi | – Đứng trên một chân trong 10 giây hoặc lâu hơn. – Nhảy lò cò hoặc có thể bật nhảy cả 2 chân. – Có thể nhảy lộn nhào. – Sử dụng nĩa và thìa, đôi khi dùng cả dao ăn. – Đánh đu và leo trèo. – Biết tự đi vệ sinh. | – Đếm được 10 món đồ hoặc nhiều hơn. – Có thể vẽ hình người với ít nhất 6 bộ phận trên cơ thể.- Có thể sao chép để viết (vẽ) được vài chữ hoặc số. – Sao chép một hình tam giác và các hình dạng hình học khác. – Biết về đồ vật dùng hàng ngày, như tiền và thức ăn. | - Nói chuyện rất rõ ràng. – Kể một câu chuyện đơn giản và biết dùng câu đầy đủ. – Sử dụng thì tương lai, ví dụ như nói “Ngày mai, bà sẽ đến nhà mình” .- Nói tên và địa chỉ nhà. | – Muốn làm hài lòng bạn bè. – Muốn được giống như các bạn. – Dần biết hợp tác với các quy tắc. – Thích hát, nhảy múa và biểu diễn. – Nhận biết được giới tính. – Có thể nói cái gì thật và cái gì là giả vờ. – Tỏ ra độc lập hơn, ví dụ như có thể tự sang thăm hàng xóm ở sát nhà (vẫn cần sự trông chừng của người lớn). – Đôi khi vòi vĩnh và đôi khi rất hợp tác. |
Mỗi trẻ em là một cá thể độc lập và có một tốc độ phát triển riêng biệt. Tuy nhiên, sự phát triển bình thường của trẻ sẽ đi theo một vài xu hướng có thể đoán trước được theo các mốc phát triển trong bảng gợi ý tham khảo phía trên (tài liệu do dự án Happy Parenting của Thạc sĩ Tâm lý Tú-Anh Nguyễn cung cấp).
Theo thạc sỹ tâm lý Tú Anh Nguyễn
Kỳ vọng của tôi là đem lại "Trải nghiệm không giới hạn" cho khách đến thăm Website.