3 năm đầu đời của trẻ: Nền tảng định hình cả cuộc đời

Những năm tháng đầu tiên chính là giai đoạn tiền đề vô cùng quan trọng cho cả cuộc đời của trẻ về sau.

Hãy cùng điểm qua sự phát triển của não bộ em bé trong 3 năm đầu đời, để từ đó các bậc phụ huynh có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong sự tăng trưởng và phát triển tiềm năng trong tương lai của trẻ.

3 năm đầu đời của trẻ: Nền tảng định hình cả cuộc đời

Não bộ của trẻ từ 0 – 3 tuổi phát triển như thế nào?

Giai đoạn bộ não phát triển nhanh nhất trong cả cuộc đời một con người bắt đầu từ khi còn là bào thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ cho đến khi trẻ lên 5 tuổi. Đặc biệt trong 3 năm đầu tiên:

  • Khi trẻ vừa sinh ra, bộ não có kích thước trung bình bằng ¼ bộ não trưởng thành.
  • Khi trẻ được 1 tuổi, bộ não tăng gấp đôi kích thước.
  • Khi trẻ lên 3 tuổi, bộ não đạt 80% kích thước của người trưởng thành.

3 năm đầu đời là thời điểm hình thành các kết nối nơ-ron thần kinh mạnh mẽ nhất. Não và các kết nối thần kinh phát triển mạnh sau khi sinh. Một người trưởng thành 17 tuổi trí lực đạt 100%, thì lúc 4 tuổi đạt 50%, 8 tuổi đạt 80%, trong 9 năm từ 8 đến 17 tuổi chỉ phát triển 20% khả năng còn lại. Về thể chất, chiều cao của trẻ em sau khi sinh sẽ tăng lên 2 lần, còn cân nặng sau sinh sẽ tăng 5 lần. Các bằng chứng khoa học cho thấy, việc quan tâm đến sự phát triển toàn diện của trẻ từ 0-8 tuổi, đặc biệt là dưới 3 tuổi là cơ sở và nền tảng cho sự phát triển toàn diện về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạọ của con người. Do đó, những năm đầu đời được gọi là “giai đoạn vàng” cho sự phát triển.

Sự hình thành các kết nối thần kinh

Bộ não là trung tâm chỉ huy của cơ thể. Một đứa trẻ sơ sinh có tất cả các tế bào não (tế bào thần kinh) cần thiết cho suốt quãng đời còn lại; nhưng những tế bào này chưa được kết nối để bắt đầu hoạt động. Những năm đầu đời là giai đoạn các kết nối thần kinh (khớp thần kinh) bắt đầu xảy ra. Trung bình mỗi giây có ít nhất 1 triệu kết nối thần kinh mới được thực hiện.

Chỉ trong 3 năm đầu đời, trẻ phát triển từ một em bé sơ sinh phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc từ việc bú, ngủ, ăn, thay tã… thành một bạn nhỏ biết bò, biết đi, biết nói, biết chạy nhảy và biết hát ca. Tốc độ phát triển vượt bậc và “vũ bão” này không bao giờ xảy ra một lần nào nữa trong đời.

Bộ não của con sẽ phát triển khi các giác quan được kích thích. Đó là thông qua việc nhìn ngắm, cảm nhận, sờ chạm, nếm, ngửi và lắng nghe. Mỗi khi một trong các giác quan được sử dụng, một kết nối thần kinh được tạo ra trong não của trẻ. Khi những trải nghiệm mới được lặp đi lặp lại nhiều lần, các kết nối thần kinh lại được tạo ra nhiều hơn nữa. Đây là nền tảng để hình thành nên cách trẻ suy nghĩ, hành xử và học hỏi trong cả hiện tại và tương lai.

Những cột mốc quan trọng trong những năm đầu đời

Một vài cha mẹ đôi khi quá chú trọng vào các chỉ số phát triển (chiều cao, cân nặng) của con hoặc dành quá nhiều thời gian cho việc năn nỉ, bắt ép con ăn để tăng cân, mà vô tình bỏ qua và quên mất những năm đầu đời cũng là giai đoạn con phát triển mạnh nhất về:

  • Nhận thức và ngôn ngữ: khả năng học hỏi và giao tiếp.
  • Trí tuệ cảm xúc: khả năng đồng cảm, sự tự tin và lòng tự trọng.
  • Kỹ năng xã hội tích cực: tạo nền tảng các mối quan hệ trong tương lai.
  • Kỹ năng vận động: khả năng di chuyển và phát triển các năng khiếu thể chất.

Bởi vậy, không quá lời khi nói rằng: 3 năm đầu đời là nền tảng cho sức khỏe, nhận thức, trí tuệ, cảm xúc và hạnh phúc suốt đời của con. Bất kỳ sự thiếu hụt nào xảy ra trong 3 năm này, sẽ rất khó hoặc mất rất nhiều thời gian để bù đắp về sau.

3 năm đầu đời của trẻ: Nền tảng định hình cả cuộc đời

Ảnh: Jaunty Junto – Getty Images

Cha mẹ có thể làm gì để giúp con phát triển tối ưu trong 3 năm đầu đời?

Mối quan hệ gắn bó giữa con với bố mẹ hoặc người chăm sóc thân thiết, cộng với sự chăm sóc ấm áp, những hành động yêu thương nhẹ nhàng, những cái ôm và những cử chỉ dịu dàng chính là “liều vaccine tinh thần” để trẻ sơ sinh có khả năng chống lại các tác động căng thẳng sau này trong cuộc sống.

Khi bố mẹ chơi cùng, múa hát, trò chuyện, đọc sách hoặc kể chuyện cho con nghe và nuôi dưỡng con bằng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, phù hợp, kết hợp với tình yêu thương thì não bộ của con sẽ phát triển tối ưu. Một môi trường sống lành mạnh, an toàn và sạch sẽ, kết hợp cùng những tương tác trực tiếp với người chăm sóc sẽ tạo ra sự khác biệt lớn trong tăng trưởng, phát triển và tiềm năng tương lai của trẻ.

Khi vừa sinh ra đời, khóc là cách giao tiếp duy nhất trẻ biết khi cần truyền đạt một nhu cầu nào đó để bố mẹ có thể hỗ trợ. Hãy đáp lại tiếng khóc của con bằng việc ôm, bế, trò chuyện để con có thể thiết lập được cảm giác tin cậy và an toàn vì giờ đây con không còn được ở trong chiếc bụng ấm áp của mẹ.

Việc cho con bú mẹ, không chỉ có mục đích “nuôi”, mà còn có ý nghĩa “dưỡng”. Qua hoạt động bú mút, con không chỉ được cung cấp dinh dưỡng, mà con còn được “no đủ” cả cảm giác an toàn và cảm xúc yêu thương tích cực.

Nhu cầu tương tác trong 3 năm đầu đời

Khi con lớn dần qua từng tháng tuổi, bất kỳ một hành động nào của con cũng mang ý nghĩa như một lời mời chào tương tác mà con muốn gửi đến bố mẹ và người chăm sóc mình. Tiếng khóc, nụ cười, từng câu ê a, từng cái gạt tay hay ném đồ vật, hành động chỉ trỏ, những bước đi chập chững… đều là những cơ hội để người lớn có thể tương tác và đáp ứng các nhu cầu con muốn nhắn gửi. Con sẽ học được rất nhiều, não bộ phát triển nhanh chóng hơn, khi các tín hiệu này được phản hồi tích cực.

Nếu chẳng may những người gần gũi nhất với con trong cuộc sống hằng ngày thường xuyên không phản hồi, không có những phản ứng tích cực với các tín hiệu của con, dần dà con sẽ không gửi ra những lời mời giao tiếp nữa. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển, hành vi, học tập và sức khỏe của con sau này.

Sự phát triển cảm xúc của trẻ trong 3 năm đầu đời

Qua thời gian, khi bộ não phát triển, cảm xúc của con cũng hiện hữu dần và mạnh mẽ hơn. Khi không làm được việc gì đó hoặc không có được cái mình muốn, con sẽ trở nên vô cùng thất vọng, và đương nhiên con không biết cách điều tiết những cảm xúc mạnh này. Con sẽ thường sợ hãi với người lạ, chỗ lạ và bóng tối. Nếu người lớn biết cách kiên nhẫn và thông cảm khi con thể hiện những cảm xúc mạnh mẽ; con sẽ có khả năng lớn lên hạnh phúc, an toàn và cân bằng. Ngược lại, khi con không thể biểu lộ cảm xúc bình thường, con sẽ lớn lên trở thành người nhút nhát hoặc khó kiểm soát tâm trạng, cảm xúc và hành vi.

Những trẻ em thường xuyên bị trừng phạt về thể xác hoặc tinh thần trong sự tức giận cũng thường có xu hướng trở thành người bạo lực khi lớn lên.

3 năm đầu đời của trẻ: Nền tảng định hình cả cuộc đời

Vì vậy, trong 3 năm đầu đời, khi con vào giai đoạn phát triển về hành vi và tính cách; bố mẹ hãy hỗ trợ và dạy con một cách tích cực thông qua các việc:

  • Cung cấp cho con những lời giải thích rõ ràng về những gì nên làm và không nên làm.
    • Giúp con hiểu được những cảm xúc mà con đang trải qua. Đồng thời dạy con cách kìm chế và điều tiết cảm xúc.
  • Phản ứng nhất quán với từng hành vi nhất định.
  • Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích những hành vi tốt của con.

Các thành viên khác trong gia đình, cần tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ; đặc biệt là giai đoạn 3 năm đầu đời của trẻ. Khi những năm đầu đời con được nuôi & dưỡng đúng cách, tương lai của con chắc chắn sẽ được phát triển toàn diện, tích cực và vững bền về tính cách lẫn nhân cách.

Theo Thạc sỹ tâm lý Tú Anh Nguyễn