Áp Lực Từ Bạn Bè Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Tâm Lý?

Áp lực từ bạn bè xuất hiện khi những người đồng trang lứa xung quanh luôn xuất sắc hơn bản thân họ về nhiều mặt từ năng lực, ngoại hình hay tài chính. Học cách không ngừng cố gắng nỗ lực, tạo ra màu sắc riêng của bản thân và yêu thương chính bản thân mình là cách tốt nhất để vượt qua áp lực từ bạn bè.

Áp lực từ bạn bè là gì?

Trẻ con ngày nay có rất nhiều điều áp lực về điểm số, năng lực, gia đình hay cả về bạn bè. Áp lực từ bạn bè thậm chí còn có một thuật ngữ riêng được gọi là Peer Pressure. Hiểu một cách đơn giản nhất, áp lực từ bạn bè là những cảm xúc mệt mỏi, chán nản, luôn cảm giác rằng mình kém cỏi hơn so với các bạn đồng trang lứa.

Áp lực từ bạn bè
Áp lực từ bạn bè khiến trẻ luôn cảm thấy tự ti, mặc cảm với bạn bè

Tình trạng này thường xuất hiện ở những trẻ có hoàn cảnh sống thấp hay những người có năng lực kém hoặc cũng xuất hiện ở những đứa trẻ có tính ganh đua cao. Áp lực trong vòng bạn bè có thể đem đến cho trẻ những điều tiêu cực hoặc tính cực, tùy theo cách chúng suy nghĩ và đón nhận.

Một đứa trẻ chơi cùng nhóm bạn học giỏi top đầu sẽ bị áp lực bởi vấn đề điểm số. Các bạn luôn được điểm 9, 10 còn con chỉ được 7 – 8 và bị những người xung quanh so sánh. Áp lực này có thể tạo thành động lực để con cố gắng học tập hơn để được điểm cao như các bạn.

Ngay cả chính người lớn, những người trưởng thành còn bị áp lực từ bạn bè chứ không chỉ riêng trẻ con. Chẳng hạn ở độ tuổi 30, thấy bạn bè học cùng mình đã xây nhà, đã mở công ty, đã lập gia đình mà bản thân mình vẫn còn chông chênh thì việc có những áp lực bản thân, cảm thấy bản thân kém cỏi là điều không tránh khỏi.

Vì sao trẻ bị áp lực từ bạn bè

Người lớn thường mặc định trẻ con thường hồn nhiên vô tư, “không biết gì” nhưng thực tế trẻ con ngày nay cực kỳ nhạy cảm. Bên cạnh đó những tác động từ gia đình, môi trường sống, hoàn cảnh gia đình và cách giáo dục cũng chính là những yếu tố khiến con có những áp lực vô hình.

Do hoàn cảnh gia đình

Thực tế đã chứng minh, ở những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn thường dễ bị áp lực gia đình hơn là những đứa trẻ có hoàn cảnh sống tốt. Bởi hoàn cảnh không tốt làm hạn chế con về nhiều mặt như trang phục, tiền bạc, ăn uống hay học tập. Chẳng hạn con luôn mặc những trang phục cũ, con ít khi ăn vặt và cũng chẳng được học thêm.

Áp lực từ bạn bè
Những trẻ có hoàn cảnh khó khăn thường dễ bị áp lực từ bạn bè nhiều hơn

Trẻ nhỏ hay có thói quen so sánh bản thân với người khác, khi thấy tất cả những bạn bè đều được mặc đồ đẹp, đều được ăn kem thì ắt hẳn tâm lý tự ti, ngại ngùng xấu hổ với bạn bè sẽ xuất hiện. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ nên thường từ chối các cuộc vui chơi với bạn bè và không dám thể hiện bản thân vì sợ bị trêu chọc, cô lập.

Áp lực từ bạn bè xuất hiện do trẻ thường thất bại

Khi con đã cố gắng hết sức mình nhưng mọi chuyện lại không được như ý, trong khi đối với những người khác đó lại là những chuyện dễ dàng thì cũng rất dễ gặp những áp lực từ bạn bè. Chẳng hạn con đã cố gắng ôn thi thật kỹ, học quên ăn uống nhưng cuối cùng điểm vẫn thấp hơn người bạn cùng bàn. Mặt khác ở những người thất bại cũng thường có tâm lý so sánh bản thân với người khác hơn.

Người thường thất bại và dễ bỏ cuộc cũng là người có tâm lý tự ti. Vì tự ti nên con mới tự hạ thấp bản thân, luôn cho rằng mình yếu kém, cho rằng bản thân không có năng lực. Những suy nghĩ bi quan, cho rằng mình sẽ thất bại thậm chí còn xuất hiện trước cả khi con dự định làm một điều gì đó.

Những áp lực vô hình đè nặng khiến bản thân con mệt mỏi và lại càng dễ thất bại hơn. Trong khi đó ở những trẻ tự tin hoặc thành công thường có tâm lý khá thoải mái, nhẹ nhàng, luôn có niềm tin chiến thắng nên tỷ lệ thành công thường cũng cao hơn rất nhiều.

Lối giáo dục sai lầm của phụ huynh

Cách giáo dục của cha mẹ có liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành nhân cách của con. Việc cha mẹ thường xuyên phê phán, chê bai con, so sánh con với các bạn bè cũng sẽ tạo lên những áp lực cho con. Bản thân khi bị so sánh quá nhiều sẽ khiến con suy nghĩ rằng mình thực sự kém cỏi, mình sẽ không bao giờ có thể giỏi giang hơn, mình sẽ luôn thất bại.

Áp Lực Từ Bạn Bè Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Tâm Lý?
Phụ huynh luôn so sánh, không công nhận khiến con luôn nghĩ mình kém cỏi hơn bạn bè

Đồng thời việc cha mẹ thường xuyên so sánh con với người khác, không công nhận năng lực của con cũng sẽ tạo ra áp lực gia đình và cũng chính là nguyên nhân gây ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Mặc dù có thể mục đích của việc so sánh này là muốn con tốt hơn, thành công hơn nhưng vô hình chỉ khiến con mệt mỏi hơn thôi.

Ảnh hưởng từ Internet gây ra áp lực từ bạn bè cho trẻ

Có thể nói rằng sự phát triển mạnh mẽ của internet, của mạng xã hội vừa mang đến những điều tích cực nhưng cũng gây ra muôn vàn điều tiêu cực. Ngay cả trẻ con hiện nay hầu hết cũng đều có mạng xã hội, chúng có thể chia sẻ những vấn đề xung quanh đời sống của mình, thường là những điều lung linh xinh đẹp nên tình trạng áp lực từ bạn bè có thể xuất hiện ở nhiều đứa trẻ hơn.

Chẳng hạn một đứa trẻ khi thấy bạn mình khoe mới được cha mẹ mua cho món đồ chơi đắt đỏ, cả nhà mới cùng nhau đi du lịch hay mới được ăn tại nhà hàng sang trọng thì việc trẻ cảm thấy buồn tủi vì hoàn cảnh của mình là điều quá dễ hiểu. Chỉ riêng việc bạn bè đang dùng điện thoại đời mới nhất mà con vẫn dùng một chiếc Ip4 cũ rích, lúc bật lên lúc không cũng đủ làm con áp lực.

Môi trường học không phù hợp

Đây cũng được coi là tác nhân chính khiến trẻ dễ cảm thấy bị áp lực từ bạn bè. Chẳng hạn con học trong lớp toàn bộ đều là các bạn khá giả, đi học có xe hơi đưa đón hay con học trong lớp chọn nhưng khả năng bản thân con lại chỉ ở mức trung bình. Chính môi trường sống, môi trường học tập không cân bằng làm con bị nghiêng về hướng những điều tiêu cực.

Áp Lực Từ Bạn Bè Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Tâm Lý?
Môi trường học tập không phù hợp với năng lực, hoàn cảnh cũng làm trẻ bị áp lực

Việc con bị áp lực lúc này không chỉ bởi con thấy tự ti, ngại ngùng mà con sợ hãi việc bản thân sẽ bị cô lập, bị bắt nạt. Chẳng hạn khi học lực con không tốt thì các bạn giỏi sẽ chẳng muốn giao tiếp, chơi cùng hay nếu con có hoàn cảnh khó khăn hơn sẽ dễ bị bạn bè bắt nạt, sai vặt làm nhiều việc. Tình trạng này xảy ra cực kỳ phổ biến trong học đường hiện nay.

Ảnh hưởng tâm lý từ áp lực bạn bè

Có thể thấy rõ ràng nhất, ngay từ chính bản thân chúng ta chính là áp lực luôn kèm theo sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tâm lý. Trẻ thường luôn tự hỏi phải làm thế nào để bằng bạn bằng bè, một số trẻ ngày càng trở nên rụt rè nhút nhát, một số khác trở thành một đứa trẻ đua đòi để không thua kém các bạn. Tất cả đều phụ thuộc vào các giáo và giúp đỡ kịp thời của phụ huynh.

Trẻ trở nên nhút nhát, không dám thể hiện bản thân

Việc luôn cảm thấy bản thân mình kém cỏi, không có năng lực làm con trở nên ngày càng rụt rè, nhút nhát và không dám thể hiện bản thân mình, luôn núp dưới một cái bóng quá an toàn. Chẳng hạn khi cô giáo ra một câu hỏi nào đó không ai biết, dù con lại biết nhưng lại không dám giơ tay vì sợ sai, cho rằng các bạn xung quanh giỏi như vậy còn không đoán được thì sao đáp án của con có thể đúng.

Sự thiếu tự tin của con ngày càng lớn dần, thậm chí là, con chẳng còn muốn kết bạn với ai, luôn cho rằng mình thất bại nên cũng không còn động lực để cố gắng. Điều này có thể trở thành một phần tích cách lớn trong con có thể ảnh hưởng đến cả hiện tại và tương lai.

Trẻ đua đòi theo bạn bè

Không phải đứa trẻ nào cũng hiểu chuyện. Hơn nữa tâm lý trẻ con còn rất thích những điều mới, những điều con hằng mong ước nên cũng rất dễ bị cuốn theo những điều xấu. Theo tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: “Với các bạn mới lớn, bạn bè chiếm giữ vị trí cực kỳ quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Bị nhóm bạn tẩy chay là điều kinh khủng. Áp lực đó có thể khiến các bạn trẻ làm những việc trước đó chưa từng làm”. Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khiến con trở nên ngỗ nghịch, hư hỏng do làm theo những bạn xấu.

Áp Lực Từ Bạn Bè Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Tâm Lý?
Rất nhiều trẻ đã đua đòi theo bạn bè và làm những điều xấu để chứng tỏ bản thân

Chẳng hạn vì muốn có tiền đua đòi theo bạn bè đi ăn vặt, trẻ xin tiền mẹ không được sẽ nảy sinh ý định ăn cắp. Từ vài chục ngàn trót lọt sẽ lên đến vài trăm ngàn, vài triệu hoặc thậm chí là ăn trộm của cả những người xung quanh. Trẻ khi thấy bạn làm được cũng muốn chứng minh rằng mình không thua kém và thực hiện theo, thể hiện bản lĩnh của mình kể cả khi đó là điều xấu.

Mặt khác tâm lý cũng những trẻ tự ti cũng thường rất nóng nảy, bồng bột, dễ bị khích bác. Bởi những áp lực từ bạn bè đã khiến con có rất nhiều cảm xúc tiêu cực tích tụ trong lòng, việc bị bạn bè trực tiếp nói những lời coi thường hay xúi giục con làm điều gì xấu sẽ khiến lòng tự trọng của con trỗi dậy và làm cho bằng được.

Thậm chí có những đứa trẻ đã rơi vào vòng lao lý chỉ vì muốn đua đòi chứng tỏ bản thân khiến chính cha mẹ và những người xung quanh cũng bất ngờ. Đây chính là hệ quả của việc giáo dục con sai cách và sự thiếu quan tâm từ bố mẹ.

Tăng nguy cơ gặp các vấn đề tâm lý

Bị trầm cảm, rối loạn lo âu do áp lực từ bạn bè, hoàn toàn là những vấn đề có thật. Ngày ngày đi học luôn cảm thấy bản thân mình kém cỏi, về nhà bị cha mẹ mắng mỏ khiến tâm trí của con cảm thấy cực kỳ mệt mỏi như không còn chút sức lực nào. Những suy nghĩ xấu xí cho rằng mình là kẻ thất bại cứ luôn quanh quẩn trong đầu con, kéo con xuống và gây ra các vấn đề tâm lý.

Áp Lực Từ Bạn Bè Là Gì? Ảnh Hưởng Như Thế Nào Đến Tâm Lý?
Con cũng dễ gặp các vấn đề tâm lý do luôn stress, buồn phiền

Thực tế đôi lúc sự thật không phải là những thứ con nghĩ, chẳng hạn việc bạn bè muốn trao đổi bài tập với con không phải là để khinh thường mà là muốn giúp đỡ con. Tuy nhiên do bản thân trẻ đã quá tiêu cực nên sẽ luôn nhìn nhận các vấn đề theo một màu đen tối, không nhìn thấy được ánh sáng trong đó.

Việc con chỉ nhìn nhận các vấn đề một cách tiêu cực cũng tác động đến tâm lý và cảm xúc của con rất nhiều. Nếu không kịp thời phát hiện có thể khiến con tự làm đau để giải tỏa cảm xúc. Rất nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra đòi hỏi gia đình và nhà trường cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của con trẻ.

Áp lực từ bạn bè cũng có thể mang đến tích cực

Chúng ta thường mặc định áp lực sẽ gắn liền với những điều tiêu cực; tuy nhiên ngược lại nó hoàn toàn có thể mang đến rất nhiều giá trị tích cực, tùy theo các chúng ta nhìn nhận. Có một câu nói rằng “không có áp lực, không có kim cương”. Thứ gọi là “áp lực” lại chính là động lực để chúng ta cố gắng hơn từng ngày, hoàn thiện bản thân và trở thành những người có giá trị hơn trong mắt những người khác.

Áp lực từ bạn bè
Đôi khi chính những áp lực đã thúc đẩy con không ngừng cố gắng

Chẳng hạn khi trẻ nhìn nhận việc mình học chưa tốt trong khi những người bạn của mình học rất giỏi, sự áp lực đó đã khiến con cố gắng học tập tốt hơn, điểm số ngày càng được cải thiện. Hay khi trẻ ý thức được rằng gia đình mình khó khăn sẽ dùng kết quả học tập để chứng minh bản thân, để thay đổi cuộc sống sau này chứ không chỉ chìm đắm trong sự tự ti, hạ thấp bản thân mình.

Khi trẻ có thể nhìn nhận các vấn đề đa chiều, nhìn vào mặt tích cực của mọi sự việc thì những áp lực này thực sự sẽ biến thành “kim cương”. Tuy nhiên để làm được điều này rất cần có sự hỗ trợ từ gia đình. Cha mẹ phải luôn thấu hiểu, động viên con, chia sẻ để con tin vào chính bản thân mình. Chỉ khi đó con mới được truyền năng lượng để tiến về phía trước thay vì mãi nhìn về khía cạnh tiêu cực và thụt lùi về phía sau.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị áp lực từ bạn bè

Để tránh các ảnh hưởng tâm lý tới con trẻ, cha mẹ cần nhanh chóng hành động. Quan tâm đến cảm xúc của con nhiều hơn. Chia sẻ nhiều hơn, giúp con nhìn nhận nhiều vấn đề; đồng thời giải tỏa những căng thẳng là điều cực kỳ cần thiết.

Một số cách phụ huynh có thể làm để giúp đỡ con như

  • Lắng nghe và trò chuyện với con hằng ngày. Đôi lúc những cảm xúc tiêu cực của con có thể khiến con không muốn nói chuyện cùng bố mẹ. Nhưng hãy kiên trì trò chuyện và kết nối với con để hiểu được con đang nghĩ gì.
  • Không nên quá thỏa hiệp với những đề nghị của con. Hãy thỏa hiệp với con bằng một giao kèo, chẳng hạn nếu con đứng trong top 5 của lớp thì mẹ sẽ mua điện thoại mới.
  • Luôn đảm bảo trẻ thật tươm tất, kể cả khi hoàn cảnh gia đình không quá ổn nhưng cũng đừng để trẻ mặc những trang phục cũ mèm, nhăn nhúm. Chỉ cần con sạch sẽ, tươm tất, mặc những trang phục thẳng thớm cũng đủ để con tự tin hơn
  • Động viên khuyến khích con thể hiện bản thân hơn. Hãy cho con biết rằng giá trị của bản thân lớn hơn chiếc điện thoại đời mới gấp nhiều lần
  • Giúp con phát triển những thế mạnh của bản thân để con luôn tin vào bản thân mình
  • Dạy con cách kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh và nhìn nhận các vấn đề một cách tích cực hơn
  • Luôn có những phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực của con, dù là nhỏ nhất.

Theo tạp chí tâm lý học.