Cách phân biệt COVID-19, cúm và sốt xuất huyết

Triệu chứng ban đầu của COVID-19, cúm và sốt xuất huyết khá giống nhau nên người dân cần phân biệt để tránh nhầm lẫn.

COVID-19, cúm mùa hay sốt xuất huyết đều là các bệnh do virus tấn công. Các bệnh này đều thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Mỗi bệnh đều có đường lây truyền khác nhau, triệu chứng ở mỗi giai đoạn của bệnh và giữa các bệnh cũng khác nhau. Tuy vậy, ở giai đoạn đầu, triệu chứng của các bệnh có thể bị nhầm lẫn với nhau.

COVID-19:

Đây là bệnh gây nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do chủng mới của SARS-CoV-2 gây ra. Những năm qua, virus SARS-CoV-2 đã liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron. Hiện nay, Omicron đang là biến thể chiếm ưu thế của virus SARS-CoV-2 và được Tổ chức Y tế thế giới coi là một biến thể đáng lo ngại gây bệnh COVID-19.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, lây truyền qua tiếp xúc với vật thể có lưu giữ virus.

Cách phân biệt COVID-19, cúm và sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

Thời gian ủ bệnh từ 2-17 ngày (tuỳ từng trường hợp). Người bệnh có ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ thể, hụt hơi, tức ngực mất vị giác, mất khứu giác, khó thở và có thể đau bụng. Tình trạng nặng, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở.

Cho đến nay, vắc xin ngừa COVID-19 vẫn đóng vai trò đặc biệt quan trọng và là biện pháp giúp phòng ngừa COVID-19 tốt nhất.

Cúm mùa (A, B)

Cúm mùa là một bệnh nhiễm trùng hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Bệnh lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi. Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Người bị nhiễm cúm có khả năng lây bệnh cho người xung quanh trong vòng 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, khi chạm tay vào đồ vật có chứa virus cúm như khăn tay, mặt bàn, ly nước uống… hay đưa tay trực tiếp lên mắt, mũi, miệng virus theo đường hô hấp xâm nhập vào cơ thể, từ đó gây bệnh cho người.

Bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai.

Khi nhiễm cúm, người bệnh có sốt cao đột ngột kèm ớn lạnh. Người bệnh thường sốt cao trên 38 độ C, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, nhức cơ, khàn tiếng, đau họng, viêm họng, ho khan, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi và khó thở; nhiều trường hợp có tình trang buồn nôn, ói mửa và tiêu chảy. Người mắc cúm thường sốt 2-5 ngày.

Nếu không có biến chứng, phần lớn người bệnh sẽ hồi phục trong vòng 1 tuần. Mặc dù có một số biểu hiện hô hấp có thể còn kéo dài nhiều tuần. Ở người cao tuổi có thể có triệu chứng mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ kéo dài nhiều tuần trước khi hồi phục hoàn toàn.

Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu thông qua vết chích của muỗi bị nhiễm virus Dengue. Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 tuýp gồm DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Hiện cả 4 chủng này đều lưu hành ở Việt Nam; vì vậy 1 người có thể có nguy cơ mắc bệnh này đến 4 lần.

Virus Dengue lây truyền từ người sang muỗi rồi sang người. Sau khi muỗi chích người bệnh hoặc những người nhiễm con siêu vi (chưa có dấu hiệu bệnh) thì sẽ mang mầm bệnh cho những người khỏe mạnh mà nó chích sau đó. Loại muỗi này rất dễ sinh sôi, ngay trong gia đình có thể có ổ nuôi muỗi như: Bình cắm hoa nhưng không hay thay nước, hay khu vực chứa nước không có nắp đậy… đây đều là môi trường cho muỗi sinh sôi.

Cách phân biệt COVID-19, cúm và sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết và COVID-19 hoàn toàn khác nhau

Thời gian ủ bệnh từ 4-7 ngày. Giai đoạn đầu của sốt xuất huyết có thể nhầm lẫn với sốt thường và sốt virus.

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh sốt rất cao và đột ngột (38 đến 40 độ C), liên tục 3-4 ngày, kèm một số biểu hiện như: Đau đầu, mệt mỏi, đau khớp và cơ, buồn nôn và phát ban. Trên da xuất hiện những chấm nhỏ màu đỏ và xuất huyết ở niêm mạc. Ngoài ra, người bệnh có thể bị chảy máu cam, chảy máu chân răng và đi tiểu ra máu.

Trường hợp nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện như nôn ra máu hoặc ảnh hưởng đến thần kinh như đau cơ, xương khớp. Sốc là triệu chứng nguy hiểm nhất, từ đang sốt cao bệnh nhân dần hết sốt, cơ thể mệt mỏi li bì, đi đại tiện ra máu, chân tay lạnh buốt… nếu không kịp thời đến bệnh viện để điều trị có thể dẫn tới tử vong.

Làm thế nào bạn có thể tránh bị COVID-19, cảm lạnh và cúm?

Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm virus gây ra COVID-19, cảm lạnh và cúm bằng cách tuân theo một số biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn. Nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện theo các biện pháp này, chẳng hạn như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang, có thể giúp rút ngắn thời gian của mùa cúm và giảm bớt số người bị ảnh hưởng trong mùa cúm 2019-2020.

Các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn để giảm nguy cơ mắc COVID-19, cảm lạnh và cúm bao gồm:

– Tránh tiếp xúc gần (trong vòng 2 mét) với bất kỳ ai bên ngoài hộ gia đình của bạn

– Đeo khẩu trang bằng vải khi ở nơi công cộng, nơi bạn khó tránh tiếp xúc gần với người khác

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây; hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn có chứa ít nhất 60% cồn

– Tránh không gian đông đúc trong nhà

– Che miệng và mũi bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi

– Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng của bạn

– Làm sạch và khử trùng các bề mặt dễ tiếp xúc; chẳng hạn như tay nắm cửa, công tắc đèn, thiết bị điện tử và quầy hàng ngày

Ngoài ra, hãy tiêm phòng cúm hàng năm và khi có thể, hãy tiêm phòng COVID-19.

6 điều cần làm để phòng bệnh sốt xuất huyết

1. Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

2. Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa; thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh…

3. Loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên; lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, không cho muỗi đẻ trứng.

4. Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; mặc quần áo dài tay; dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi… để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.